Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển ngành thủy sản và nền kinh tế Việt Nam, giúp tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2022, tỷ trọng giá trị xuất khẩu tôm luôn chiếm ở mức cao, từ 36,8 - 50,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Năm 2022, diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước đạt 747.000 ha; sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2021; kim ngạch xuất lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021.
Bước sang năm 2023, ngành tôm nước ta đặt mục tiêu diện tích đạt 750.000 ha; sản lượng tôm các loại hơn 1 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD.
Những năm qua, ngành tôm Việt Nam liên tục đạt được sự tăng trưởng tốt về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành hàng này vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ phát triển không bền vững do hiệu quả sản xuất còn hạn chế, dẫn đến thu nhập của người nuôi tôm còn thấp, việc phân chia lợi nhuận và trách nhiệm trong chuỗi giá trị con tôm cũng còn tồn tại bất cập.
Cùng với đó, ngành tôm nước ta cũng đang phải đối mặt với các thách thức do biến đổi của khí hậu, môi trường, dịch bệnh. Hội nhập quốc tế đem lại những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức để cạnh tranh, nhất là yêu cầu sản phẩm không chỉ đạt chất lượng, an toàn mà phải có giá bán cạnh tranh.
Tại buổi lễ khai mạc Hội chợ Triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ tư năm 2023 (gọi tắt là VietShrimp 2023) diễn ra sáng ngày 12/4/2023, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam - Trưởng Ban tổ chức VietShrimp 2023 - nhấn mạnh, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 45 - 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm hàng đầu với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm trên toàn thế giới.
Những năm qua, ngành tôm Việt Nam đã có nhiều đổi mới và phát triển, đặc biệt nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dù vậy, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và ngành vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Để con tôm Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường tất yếu phải nâng tầm chuỗi giá trị.
Theo đó, phát triển bền vững chuỗi giá trị con tôm là rất cần thiết. Để làm được điều này cần sự tham gia tích cực của tất cả bên liên quan trong chuỗi ngành tôm nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho con tôm Việt Nam.
“Với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị”, VietShrimp 2023 được tổ chức với mong muốn trở thành “cầu nối” của cả 4 nhà: Nhà quản lý - nhà khoa học - nhà kinh doanh - nhà nông cùng chung tay đóng góp để cùng hành động, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam”, ông Nguyễn Việt Thắng nói.
Là một trong những Hội chợ Triển lãm có quy mô lớn nhất và toàn diện nhất về ngành tôm Việt Nam nói riêng, cũng như khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung, VietShrimp 2023 có quy mô 200 gian hàng đến từ 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế, hoạt động trong tất cả lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng, từ con giống, thức ăn, chế phẩm, thuốc, vaccine, quy trình, công nghệ…; thu hút hơn 15.000 lượt khách tham quan. Bên cạnh đó là các phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tôm Việt nam đã xuất khẩu sang 108 thị trường; trong đó xuất khẩu sang 9 thị trường chính gồm: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... chiếm hơn 97% tổng giá trị.
Tuy nhiên, dù hoạt động xuất khẩu đứng trong Top đầu thế giới, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu (chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi; tỷ lệ diện tích và sản lượng tôm nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ...còn thấp.
Đặc biệt, giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn các nước khác, dẫn đến giá sản phẩm kém cạnh tranh trong khi tôm Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với Ecuador và Ấn Độ trên thị trường thương mại toàn cầu. Chuỗi giá trị tôm Việt chưa thật sự đạt được hiệu quả tối ưu. Điều này được thể hiện rõ nét khi bước vào đầu năm 2023, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm ước đạt gần 577 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng Cục thủy sản – nhận định, năm 2023, dù được dự báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngành tôm cả nước vẫn đặt mục tiêu duy trì về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Để vượt qua những thách thức và đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự tham gia tích cực của tất cả bên liên quan trong chuỗi giá trị tôm nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho con tôm Việt.
“Hội chợ Triển lãm VietShrimp năm 2023 được tổ chức với sự góp mặt ngày càng đông đảo của các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, công nghệ mới, sáng tạo; là nơi bà con nuôi tôm có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại cùng với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ là sự kiện quan trọng để cộng đồng nuôi tôm Việt cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, khắc phục những điểm yếu để nâng tầm chuỗi giá trị tôm Việt”, ông Trần Đình Luân chia sẻ.