Học phí đắt đỏ khiến nhiều tân sinh viên tính đến chuyện bỏ học đại học. Ảnh: Thế Bằng.
“Em đậu đại học rồi nhưng mà hiện tại em đang phân vân giữa việc đi học tiếp và việc nghỉ học đi làm. Em đậu vào ngành sư phạm - một ngành không quá đắt đỏ - nhưng gia đình em thì thuộc dạng khó khăn. Học phí sư phạm không quá đắt nhưng em sợ sinh hoạt phí sẽ càng nặng gánh đôi vai mẹ. Liệu quyết định tiếp tục đi học của em có phải ích kỷ không vì tiền mẹ em vay nợ cho em học cấp 3 vẫn chưa trả hết. Bây giờ em lên đại học thì sẽ thành nợ chồng nợ”.
Đây là chia sẻ của một tân sinh viên được đăng tải trên một hội nhóm Facebook có hơn 2,1 triệu thành viên. Khi bài viết được chia sẻ, nhiều sinh viên và phụ huynh bình luận động viên bạn trẻ tiếp tục theo đuổi việc học và đưa ra một số lời khuyên để trang trải học phí.
Không riêng tân sinh viên này, một số bạn trẻ khác cũng đăng bài chia sẻ về việc đậu trường mơ ước, nhưng khi chuẩn bị nhập học, các bạn lại nhụt chí vì học phí quá cao. Các bạn lo rằng số tiền khổng lồ cho việc học đại học có thể khiến bố mẹ gặp áp lực tài chính.
Băn khoăn vì học phí tăng
Khi các trường tự chủ tài chính, mức học phí dần tăng theo lộ trình từng năm và mỗi học kỳ có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Theo khảo sát của Tri Thức - Znews, trong năm học 2024-2025, nhiều trường đại học thông báo tăng học phí với mức tăng khoảng 10% mỗi năm.
Ví dụ, tại Đại học Y Dược TP.HCM, học phí ngành Y khoa của năm 2024 là 82,2 triệu đồng, tăng 7,4 triệu đồng so với năm 2023. Ngành Răng - Hàm - Mặt cũng tăng từ 77 triệu đồng lên 84,7 triệu đồng/năm học và một số ngành khác tăng khoảng 5 triệu đồng/năm như Y học dự phòng (45 triệu đồng lên 50 triệu đồng), Dược học (55 triệu đồng lên 60,5 triệu đồng), Điều dưỡng (41,8 triệu đồng lên 46 triệu đồng)...
Tương tự, Học viện Ngân hàng cũng điều chỉnh tăng mức thu học phí. Năm 2023, nhà trường thông báo học phí khối ngành III (Tài chính - Ngân hàng, Kế toán...) là 680.000 đồng/tín chỉ, còn mức thu năm 2024 của khối này là 740.000 đồng/tín chỉ.
Khối ngành V (Công nghệ thông tin) và khối ngành VII (Ngôn ngữ Anh, Kinh tế) cũng tăng lần lượt từ 710.000 đồng lên 785.000 đồng/tín chỉ và 680.000 đồng lên 770.000 đồng/tín chỉ.
Hay tại Đại học Kinh tế TP.HCM, lộ trình tăng học phí của trường không quá 10% mỗi năm. Còn với năm học 2024-2025, mức học phí của trường thấp nhất là 975.000 đồng/tín chỉ và cao nhất lên đến 3,2 triệu đồng/tín chỉ.
Chia sẻ về vấn đề học phí của nhiều tân sinh viên trước thềm nhập học.
Bàn về vấn đề học phí, Phương Anh, tân sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM, nói rằng ban đầu em cũng khá sốc khi nhận thông báo về mức tăng học phí tại trường. Nhiều lần, em cũng lưỡng lự, muốn tìm trường khác học phí rẻ hơn nhưng bố mẹ vẫn động viên đi học để sau này có cơ hội việc làm tốt và ổn định.
Những ngày gần đây, khi lên mạng xã hội, Phương Anh cũng đọc được bài viết của các bạn chia sẻ về vấn đề khó khăn tài chính nên còn lưỡng lự chuyện đi học. Nữ sinh rất cảm thông cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn và cảm thấy may mắn vì gia đình vẫn đủ khả năng để lo cho em chuyện học hành.
Nữ sinh nói thêm việc các bạn muốn bỏ học vì học phí cao không phải điều đáng trách, đó là tâm lý dễ hiểu vì các bạn đã đủ tuổi trưởng thành, biết thương bố mẹ nên không muốn bố mẹ nhọc nhằn chuyện tiền bạc.
Dù vậy, Phương Anh vẫn mong các bạn suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Vì để đậu đại học mơ ước, mỗi người đều phải trải qua giai đoạn ôn thi vất vả. Từ bỏ con đường vào đại học cũng có nghĩa là các bạn đang từ bỏ những cố gắng mà bản thân xây dựng suốt thời gian qua.
“Giai đoạn đầu có thể hơi tốn kém vì nhiều thứ phải lo, nhưng các bạn có thể đăng ký vay vốn tại ngân hàng chính sách, việc ăn ở thì ở ký túc xá như mình cho tiết kiệm. Còn về học phí, mình nghĩ các bạn có thể trình bày với trường để được hỗ trợ, mình nghĩ các trường sẽ có phương án để các bạn nhập học trước rồi đóng học phí sau”, Phương Anh nói.
Chưa có học phí đóng ngay vẫn có thể nhập học
Lắng nghe những tâm sự của tân sinh viên về áp lực học phí đầu năm, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của Đại học Công thương TP.HCM, nói không thể phủ nhận nhiều ngành, nhiều trường có học phí khá đắt đỏ, đòi hỏi nguồn tài chính lớn nên sẽ trở thành thách thức với nhiều gia đình thu nhập thấp.
ThS Phạm Thái Sơn khuyên tân sinh viên không nên bỏ cuộc vì vấn đề học phí có nhiều cách để khắc phục. Ảnh: NVCC.
Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ, trường học và nhiều tổ chức có chương trình hỗ trợ học phí và trao học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, tân sinh viên có thể tìm kiếm các cơ hội này để giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. ThS Sơn nói việc “săn” học bổng cũng là một cách để sinh viên rèn luyện kỹ năng sống.
“Các bạn thấy rằng điều kiện tài chính hạn chế khả năng học tập, nhưng thực tế cho thấy rằng rất nhiều người xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn đã thành công rực rỡ trong các ngành nghề đắt đỏ nhờ vào sự nỗ lực và quyết tâm. Những người có hoàn cảnh khó khăn thường có động lực mạnh mẽ để vượt qua thách thức, và điều này có thể giúp họ đạt được thành công trong các ngành nghề đòi hỏi nhiều nỗ lực”, thầy Phạm Thái Sơn nói.
Thông tin thêm về việc đóng các khoản phí đầu năm, thầy Sơn cho biết trong thời gian này, Đại học Công thương TP.HCM đang tổ chức nhập học cho tân sinh viên. Với những bạn chưa đủ khả năng đóng học phí từ đầu năm, nhà trường cho phép các bạn gia hạn thêm thời gian. Các bạn chỉ cần gửi đơn, nhà trường sẽ tiếp cận và giải quyết ngay.
Thầy giáo ước tính trong đợt nhập học, nhà trường tiếp nhận gần 100 trường hợp tân sinh viên có nguyện vọng gia hạn học phí. Ngoài ra, trường cũng chi khoảng 50 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho sinh viên.
Nhìn chung, thầy Sơn khuyên các tân sinh viên không nên từ bỏ con đường học hành vì vấn đề học phí. Nếu gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, các bạn nên tìm hiểu về chính sách học bổng, hỗ trợ học phí tại trường và làm đơn để nhận được quyền lợi. Tân sinh viên cũng có thể xem xét việc vay tín dụng học tập với lãi suất thấp từ ngân hàng chính sách tại địa phương.
Sau khi nhập học và đi học ổn định, thầy Sơn khuyên các sinh viên tìm công việc bán thời gian trong hoặc ngoài trường để kiếm thêm thu nhập. Các bạn có thể làm gia sư, làm thêm tại các quán ăn, quán cà phê… vì công việc xoay ca linh động, vẫn có thể đảm bảo vừa học vừa làm.
Về phía phụ huynh, thầy Sơn cũng khuyên các gia đình nên nắm rõ các khoản phí mà con em cần đóng khi học đại học, từ đó lập kế hoạch tài chính để tránh tình trạng thiếu hụt bất ngờ. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên đồng hành cùng con trong việc liên hệ với trường đại học, đặc biệt là phòng công tác sinh viên, để tìm hiểu về các chương trình hỗ trợ tài chính và chính sách giảm học phí cho sinh viên đại học.
“Sinh viên đừng bao giờ vì áp lực tài chính mà bỏ qua đi cơ hội của mình. Đó là một thử thách lớn, nhưng các bạn cần giữ tinh thần lạc quan và kiên nhẫn. Việc học đại học là một khoản đầu tư dài hạn cho tương lai, việc vượt qua khó khăn tài chính sẽ giúp các bạn trưởng thành hơn rất nhiều”, thầy Sơn khuyên.