Tuy nhiên, “tầm với” ấy vẫn rất xa và chỉ có thể hiện thực hóa khi chất lượng thị trường được nâng lên.
Quy mô “ổn” nhưng chất lượng có vấn đề
Theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015. Trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP. Trong khi đó theo một báo cáo khác công bố mới đây của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC, trong vòng 10 năm qua, TTCK Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tất cả các TTCK lớn trong khu vực với quy mô thị trường tăng gần gấp bốn lần so với thời điểm năm 2012. Năm 2021, giá trị vốn hóa của TTCK vượt ngưỡng 350 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP của Việt Nam.
Theo các chuyên gia HSBC, ngay cả khi có những sụt giảm trong thời gian gần đây, Việt Nam vẫn nhỉnh hơn một chút so với các thị trường khác. “Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn thú vị - tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh diễn ra nhiều cải cách, đồng tiền mạnh với dự trữ ngoại hối ổn định, một nền kinh tế có vị thế vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi nhờ tăng đầu tư hạ tầng và tiêu dùng nội địa đang lên”, các chuyên gia HSBC viết trong báo cáo. Đó cũng là những điểm tựa vững vàng cho TTCK phát triển hơn nữa trong tương lai.
Với quy mô ngày càng lớn như vậy, thị trường vốn nói chung, TTCK nói riêng ngày càng cho thấy vai trò quan trọng. Nhưng nếu thị trường không được phát triển theo hướng lành mạnh, hiệu quả, bền vững thì ảnh hưởng và hệ lụy của nó lên ổn định KTVM cũng khôn lường. Chính vì vậy, việc gia tăng chất lượng cho thị trường vốn, trong đó có TTCK là điều cần thiết. Nó càng cấp thiết hơn trong bối cảnh thị trường có những dấu hiệu tăng nóng và xuất hiện những tiêu cực lớn như vừa qua. Xa hơn, với những khát vọng lớn của Việt Nam là trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030; thu nhập cao vào năm 2045 cùng với đó là quy mô, nhu cầu vốn ngày càng lớn và yêu cầu chất lượng cao hơn thì ngay trong những năm tới đây, mục tiêu nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi nhất thiết phải đạt được.
Nếu đặt vấn đề nâng chất lượng thị trường cùng với mục tiêu sớm nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi, chúng ta sẽ thấy đây không phải câu chuyện “con gà, quả trứng” mà thực là những yếu tố mang tính động lực thúc đẩy lẫn nhau. Theo các chuyên gia, trong khi việc nâng hạng có đạt được hay không là do các tổ chức xếp hạng thị trường quyết định thì việc đáp ứng được các tiêu chí đánh giá và phân loại (theo các yếu tố định lượng và định tính) của họ lại phụ thuộc chủ yếu vào “nội lực” của chính chúng ta.
Chú trọng các yếu tố định tính
Trong khi về các yếu tố định lượng, nhất là về quy mô và thanh khoản của thị trường, cơ bản chúng ta đã đáp ứng được thì yếu tố định tính (khả năng tiếp cận thị trường), còn rất nhiều vấn đề cần được cải thiện. Theo các chuyên gia của HSBC, để được MSCI và FTSE nâng hạng lên EM, Việt Nam phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó các vấn đề nổi cộm nhất là cần giải quyết được giới hạn sở hữu nước ngoài, thiếu thông tin công bố bằng tiếng Anh, chưa có thị trường nội tệ ở nước ngoài và một số hạn chế trên thị trường nội tệ trong nước, đăng ký tài khoản bắt buộc, ký quỹ khi giao dịch và hạn chế trong chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch…
Các vấn đề này được xem xét khi Việt Nam thông qua các luật mới về chứng khoán, đầu tư và doanh nghiệp, dù tiến độ còn chậm. Như Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ năm 2021, nhằm tái cơ cấu thị trường, trong đó có một số điểm mới bao gồm một hệ thống thanh toán - bù trừ giao dịch dưới mô hình Đối tác Bù trừ Trung tâm và Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). NVDR cho phép nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài nắm tình hình của những mã cổ phiếu đã hết room sở hữu nước ngoài mà không cần tham gia vào việc ra các quyết định của doanh nghiệp.
Về hạ tầng, hệ thống giao dịch mới KRX (hệ thống công nghệ do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc cung cấp) được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Hệ thống mới sẽ cải thiện giao dịch, tiếp cận thông tin và triển khai một loạt các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày và NVDR cũng như hỗ trợ giao dịch và thanh toán hiệu quả. Điểm mấu chốt là NĐT sẽ không cần phải ký quỹ trước giao dịch khi mua chứng khoán.
Thực tế vào tháng 9/2018, FTSE đưa Việt Nam vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên EM, dự kiến vào tháng 9/2022. Với MSCI, hiện Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét. Tuy nhiên, nếu thực hiện các cải cách được yêu cầu thì Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết trước tháng 5/2023 (trước đợt xem xét mới).
Ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB cho rằng, quy mô của TTCK Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm thị trường cận biên. “Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp thành EM. Điều này có nghĩa là Việt Nam cần mở hơn với các NĐT gián tiếp trên quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường. Thông tin phải kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn. Hạ tầng phải hiệu quả, thân thiện với các NĐT, cả trong nước và quốc tế…”, chuyên gia này đề xuất.
Vấn đề xử lý các tiêu cực, bảo vệ NĐT trên thị trường được Chính phủ đặc biệt quan tâm và có những chỉ đạo quyết liệt trong thời gian gần đây cho thấy chúng ta đang quyết tâm nâng chất lượng thị trường, mở ra những điều kiện cần và đủ để có thể sớm được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Tại Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định KTVM, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế" vào tháng 4 vừa qua, một trong những chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cần khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng từ thị trường. Được biết UBCKNN cũng đang tích cực phối hợp với các bên liên quan để thống nhất giải pháp, lộ trình thực hiện với kỳ vọng TTCK sẽ được nâng hạng sớm nhất.