Theo các chuyên gia kinh tế, việc nâng hạng là tiến trình tất yếu trong sự phát triển và hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn. Hiện, quy mô vốn mà các quỹ có thể phân bổ cho các thị trường cận biên chỉ khoảng 95 tỷ USD, còn quy mô vốn dành cho các thị trường mới nổi đang ở khoảng 6.800 tỷ USD.
Như vậy, nếu thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được nâng hạng và dòng tiền đổ vào sau khi nâng hạng chỉ cần 1% trong số 6.800 tỷ USD, cũng đã có 68 tỷ USD. Chính vì vậy, những nỗ lực của cơ quan quản lý cùng các thành viên trên thị trường sẽ thực sự quan trọng để thúc đẩy quá trình nâng hạng đến sớm hơn, mang lại nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư.
Cơ hội để nâng hạng… phụ thuộc vào ý chí
Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS) cho rằng, việc nâng hạng tại thời điểm này có hai yếu tố là nhóm tiêu chí định lượng và nhóm tiêu chí định tính. Về tiêu chí định lượng, những chỉ tiêu về quy mô và chỉ tiêu về thanh khoản chúng ta đang nằm trong Top đầu của ASEAN. Thanh khoản trong bốn tháng đầu năm 2022 đã vượt Singapore đứng vị trí thứ hai và chỉ sau Thái Lan. Thứ hai, phải có ít nhất ba công ty đáp ứng các chỉ tiêu về quy mô và thanh khoản như vốn hóa, giá trị cổ phiếu giao dịch, chỉ tiêu về tỷ lệ giao dịch bình quân thì chúng ta đều đã đáp ứng.
Nhưng các nhóm chỉ tiêu về định tính, chúng ta lại đang gặp khó khăn. Ví dụ tỷ lệ các doanh nghiệp, số lượng các doanh nghiệp dùng báo cáo công bố thông tin bằng tiếng Anh hay vấn đề liên quan đến thao túng, làm giá, vấn đề minh bạch thị trường, vấn đề về xếp hạng tín nhiệm và cả vấn đề về ngoại hối và di chuyển dòng vốn trong nước. Đây là những chỉ tiêu phải có nhiều bộ ngành vào cuộc dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thì chúng ta sẽ giải quyết được.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup cho biết, TTCK Việt Nam như là võ sĩ hạng nặng nhưng đang thi đấu ở hạng cân nhẹ hơn. Hiện tại quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam không thua kém so với các nước trong khu vực ASEAN, mà hiện tại còn có thể nằm trong phân hạng thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của MSCI.
Nếu xét về chất lượng thị trường thì cũng không kém về số lượng doanh nghiệp và rất nhiều các tiêu chí khác về quy mô. Việc nâng hạng, giống như việc chúng ta đưa hàng hóa của Việt Nam lên một siêu thị trên thế giới để nhà đầu tư có thể một cách thoải mái phân bổ tiền vào. Tuy nhiên, có một số các điểm chúng ta cần phải cải thiện, nhưng về cơ bản và tổng thể do ý chí của chúng ta nhiều hơn và hy vọng Chính phủ sẽ sớm thực hiện được mục tiêu này.
Cũng có ý kiến cho rằng, hệ thống công nghệ thông tin tuy đã cải thiện nhưng vẫn chưa có một hệ thống mới, đồng bộ như kỳ vọng, và đó là một trong nguyên nhân chính dẫn đến việc nâng hạng bị chậm. Ông Trần Hải Hà cho biết, theo lộ trình cuối năm 2022, hệ thống KRX sẽ được đưa vào và với hệ thống đó, những câu chuyện về sản phẩm như T+0, bán khống short sale và nhiều sản phẩm khác… có thể được giao dịch. Đây là một cách thức để hỗ trợ cho thanh khoản thị trường và nâng quy mô thị trường.
Cùng với đó, những nỗ lực của cơ quan quản lý thời gian qua về việc cải thiện hệ thống như nâng cấp về số lượng lệnh giao dịch trong một phiên hay cải tiến về giao dịch lô lẻ. Năm trước, việc chuyển từ lô 10 lên lô 100 để chống nghẽn lệnh, và bây giờ chúng ta đang tìm giải pháp để đưa từ lô 100 về lô thấp hơn. Đó là những nỗ lực rất lớn của những người làm công nghệ thông tin và các cơ quan quản lý…
Thực tế, những hạn chế nói trên đã và đang có nhiều thay đổi, cũng như thị trường ngày càng minh bạch, doanh nghiệp gia tăng quy mô và chất lượng. Mới đây nhất, cơ quan quản lý đã hợp tác với Sở Giao dịch Chứng khoán New York (Mỹ) để hỗ trợ nâng hạng… và điều này mang lại kỳ vọng quá trình nâng hạng sẽ được rút ngắn.
Ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, đây là thông tin rất tốt cho thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Chúng ta chưa nhìn thấy nội hàm, nội dung chính của văn bản thỏa thuận nhưng chúng ta tin rằng là với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ và đặc biệt là sự điều hành quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn sẽ có những tác động tích cực trong việc giải quyết những vấn đề đang tồn tại cho câu chuyện nâng hạng.
Ông Trần Hải Hà thì cho rằng, những vấn đề liên quan về định tính như công bố thông tin, vấn đề về minh bạch thì dần dần sẽ đi vào khuôn khổ. Còn nói về khía cạnh kỹ thuật chung của thị trường thì còn ba vấn đề lớn nữa mà chúng ta sẽ phải đối mặt.
Đầu tiên là vấn đề về giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, thứ hai là câu chuyện liên quan giải pháp về Pre-Funding của nhà đầu tư nước ngoài, đó là có thể mua và bán chứng khoán khi mà không có tiền trong tài khoản.
Thứ ba là vấn đề về tài khoản tổng thì cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch bằng các tài khoản ẩn danh khác nhau. “Ba vấn đề đó Việt Nam cần phải đối mặt để giải quyết để câu chuyện nâng hạng diễn ra một cách nhanh hơn”, ông Hà cho hay.
Nâng hạng thị trường, dòng vốn vào Việt Nam sẽ như thế nào
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, vấn đề khi thúc đẩy việc nâng hạng nằm trong ý chí của cơ quan quản lý còn hạ tầng, các vấn đề kỹ thuật không phải vấn đề lớn. Một năm hay ba năm phụ thuộc vào việc triển khai của các cơ quan quản lý, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ. Thực tế hiện nay, TTCK nước ta được ví như một võ sĩ hạng nặng thi đấu ở hạng nhẹ và quy mô của hạng nhẹ hiện đang ở khoảng 95 tỷ USD.
Trong đó, các quỹ được MSCI khuyến nghị phân bổ khoảng 30% cho thị trường Việt Nam, tuy nhiên, các quỹ sẽ không phân bổ hết 30% đó vì thị trường vẫn ở hạng nhẹ. Còn nếu “thi đấu” ở hạng trung, thị trường mới nổi (Emerging market) thì quy mô của hạng này sẽ là 6.800 tỷ USD. Nếu chỉ cần 1% phân bổ trong số này, chúng ta đã thu hút được 68 tỷ USD đổ vào thị trường.
Ông Trần Hải Hà thì cho rằng, việc nâng hạng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các nhà quản lý. Đứng dưới quan điểm của người làm nghề chứng khoán, ông cho rằng chúng ta sẽ có thể nâng hạng được sau hơn hai năm tới. Còn quy mô TTCK Việt Nam sẽ như thế nào sau khi nâng hạng, ông cho rằng, nó sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với mức độ thanh khoản như hiện nay. “Tôi nghĩ rằng sau khi nâng hạng, chúng ta sẽ đứng trong top đầu, ít nhất là trong ba nước đứng đầu của ASEAN”, ông Hà cho hay.
Ông Nguyễn Quang Thuân cũng cho rằng, việc nâng hạng không chỉ phục vụ nhà đầu tư nước ngoài, mà chúng ta còn phục vụ chính 5,2 triệu tài khoản nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam, để phục vụ chính thị trường nội địa này và nhu cầu vốn đầu tư cũng còn rất nhiều. Nếu nhìn vào Quatar, Pakistan thì mặt bằng định giá sau khi nâng hạng thường gấp rưỡi hoặc gấp đôi, kể cả về mặt chỉ số lẫn thanh khoản lẫn giá trị tính theo PE. Thế nhưng nó còn tùy thuộc vào câu chuyện của Việt Nam. Bên cạnh đó, không phải tất cả đều có lợi khi mà chúng ta nâng hạng lên thị trường mới nổi. Ví dụ, để nâng hạng, họ sẽ yêu cầu việc tự do hối đoái, tỷ giá dịch chuyển vốn thì mình sẽ chấp nhận đến đâu.
Những dòng vốn mà nhanh vào thì nó cũng gây xáo trộn cho thị trường tiền tệ, thị trường tỷ giá. Đấy là vấn đề phụ thuộc vào đàm phán mà chúng ta phải đặc biệt cân nhắc.
Ông Trần Hải Hà thì cho rằng câu chuyện nâng hạng thị trường là tất yếu và sẽ xảy ra trong tương lai. Trong ngắn hạn, chúng ta nhìn thấy sức khỏe của nền kinh tế đã tốt hơn so với giai đoạn 10 năm và 5 năm trước đây. Về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 này cao hơn ít nhất là khoảng 18% so với năm 2021 thì về mặt thị trường trong ngắn hạn, kể cả thời gian nâng hạng kéo dài thì thị trường vẫn tốt và rất nhiều cơ hội đầu tư.