Tiền thuê nhà là khoản chi phí khá lớn mà bạn phải chi trả mỗi tháng. Để quản lý được tài chính cá nhân, bạn cần cân nhắc khoản tiền này cho cân đối với thu nhập.
Zing chia sẻ cách 3 bạn trẻ chi trả cho việc thuê nhà.
Tôi chi 10 triệu cho việc thuê nhà
Nguyễn Duy Đức, 28 tuổi
Hiện tại, tôi đang thuê nhà chung cư ở cùng với một người bạn. Mỗi tháng tôi phải trả 10 triệu cho tiền nhà và các khoản khác như phí quản lý, tiền điện, tiền nước.
Tiêu chí của tôi khi chọn thuê nhà là vấn đề an ninh vì nó ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản chung cư tôi đang ở là khu vực biệt lập, có bảo vệ 24/24, ra vào đều cần có thẻ.
Ngoài ra, tôi cũng ưu tiên những căn nhà có view đẹp, thoáng mát, hiện đại. Nhà có nội thất đầy đủ cũng tiện hơn vì tôi không cần phải mua sắm gì. Đến khi chuyển đi tôi cũng không phải tay xách nách mang nhiều đồ đạc.
Tôi cũng thích ở khu trung tâm để tiện trong việc đi chơi và ăn uống với bạn bè.
Tôi không gặp bất kỳ khó khăn, trở ngại nào với việc ở thuê. Nếu dư dả hơn về tài chính, tôi thích thuê riêng một căn nhà để tự do, thoải mái hơn.
Nếu gặp khó khăn chuyện tiền bạc, tôi không nghĩ đến việc cắt giảm tiền thuê nhà. Việc chuyển nơi ở sẽ ảnh hưởng đến lối sống và chất lượng cuộc sống. Chưa kể, nó cũng tốn nhiều thời gian.
Tôi sẽ không cắt giảm tiền thuê nhà
Hoài An, 22 tuổi
Tôi chi 25% thu nhập của mình cho việc thuê nhà. Số tiền này đã bao gồm tiền điện và tiền nước cùng với phí dịch vụ. Khi mới thuê nhà, tôi có nhiều kỳ vọng. Nhưng sau nhiều lần tìm kiếm và đi xem nhà, tôi tóm lại 3 tiêu chí sau: vị trí, giá cả và nhu cầu cá nhân. Ít khi người thuê chọn được căn nhà đáp ứng được cả 3 tiêu chí đó.
Ví dụ nếu muốn nhà đẹp đúng gu, giá hợp lý thì vị trí sẽ ở xa. Hoặc nếu tìm được căn trong trung tâm, giá tạm ổn thì đồ đạc lại không đầy đủ.
Điều khó chịu nhất với tôi khi đi thuê nhà là vấn đề vệ sinh. Nhà có nguồn nước kém, tường xuống cấp, mùa mưa ẩm mốc, cầu thang bừa bộn, hàng xóm không có ý thức giữ vệ sinh chung khiến tôi thấy phiền hà. Trong điều kiện chưa cho phép, tôi đành “sống chung với lũ”, tự mình giữ gìn nhà cửa gọn gàng, thông thoáng nhất có thể.
Nếu thu nhập bị giảm, tiền thuê không phải là khoản tôi nghĩ mình cần cắt giảm.
Tôi sẽ cố gắng chăm chỉ hơn để tăng nguồn thu nhập. Tôi cũng sử dụng quỹ tiết kiệm để bù vào khoản tiền bị giảm.
Tôi chỉ giảm số tiền chi cho việc thuê nhà khi tìm được căn phù hợp hơn mà có giá tiền thuê thấp hơn hoặc chuyển sang ở cùng bạn bè.
Sẽ cân nhắc nếu phải cắt giảm tiền nhà
Phương Thảo, 24 tuổi
Hiện tại, tôi đang sống ở một căn hộ dịch vụ cùng với bạn. Tôi phải trả 6 triệu/tháng cho tiền nhà và các khoản phí khác. Tiêu chí chính của tôi khi thuê nhà là phải đầy đủ nội thất, thoáng đãng và nhiều ánh sáng. Bên cạnh đó, một căn phòng có nội thất được sắp xếp thông minh cũng được tôi ưu tiên. Tôi không cần nhà phải nằm vị trí trung tâm vì tôi sẵn sàng di chuyển xa.
Khi ở thuê, tôi không được thoải mái trong việc trang trí nhà cửa. Nội thất, đồ trang trí đều có tính tạm bợ. Tôi không dám đầu tư vì sợ sẽ không ở lâu dài.
Nếu thoải mái hơn về tiền bạc, tôi muốn thuê căn chung cư có ban công, ở tầng 10-15, đầy đủ nội thất. Nếu gặp khó khăn về kinh tế, tiền thuê nhà là một trong những khoản tôi sẽ bị cắt giảm nhưng không phải là khoản cắt đầu tiên. Tôi hướng đến chuyện ổn định khi tìm nơi ở, thường ký hợp đồng thuê 1 năm nên tiền nhà nếu có cắt giảm cần phải cân nhắc rất kỹ.
Chi trả thế nào cho việc thuê nhà là hợp lý?
Quy tắc 30% từng được nhiều người áp dụng cho việc thuê nhà. Nó khuyên bạn nên chi tiêu không quá một phần ba thu nhập hàng tháng để trả tiền thuê mỗi tháng.
Các hướng dẫn của Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị ở Mỹ đã góp phần vào việc sử dụng quy tắc 30% như một tiêu chuẩn về khả năng chi trả của người đi thuê nhà.
Tuy nhiên, số người Mỹ chi tiêu từ 50% thu nhập trở lên cho việc thuê nhà ở đã tăng lên theo thời gian.
Có hai sai sót lớn liên quan đến quy tắc 30%.
Thứ nhất, nó không tính đến lạm phát, trì trệ thu nhập hoặc giá thuê nhà tăng.
Thứ hai, nó không được cá nhân hóa cho hoàn cảnh của bạn.
Ví dụ, nó không tính đến khoản vay sinh viên hoặc khoản nợ thẻ tín dụng mà bạn có thể sẽ trả hết. Nó cũng không xem xét số tiền bạn kiếm được, thuế bạn phải trả, mục tiêu tài chính của bạn hoặc khả năng chi trả của thị trường bất động sản nơi bạn định thuê.
Tối ưu hơn cả là quy tắc 50 - 30 - 20. Nó có nguồn gốc từ cuốn "All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan" của tác giả Elizabeth Warren. Quy tắc này đơn giản là bạn chỉ cần chia nhỏ tổng thu nhập sau thuế theo tỷ lệ phần trăm như sau:
- 50% chi phí thiết yếu: Những khoản tiền duy trì sinh hoạt của bạn như thuê nhà, ăn uống, điện nước, đi lại,...
- 20% mục tiêu tài chính: Tiết kiệm tiền cho mục tiêu cụ thể như trả nợ, kết hôn, mua nhà, đầu tư; hoặc tích lũy quỹ dự phòng khẩn cấp.
- 30% tiêu dùng cá nhân: Các khoản chi phục vụ nhu cầu giải trí, học tập, mua sắm, xã giao,...
Tiền nhà nằm trong khoản 50% chi phí thiết yếu. Ví dụ, thu nhập của của bạn là 10 triệu thì bạn nên dành 5 triệu cho việc thuê nhà, ăn uống, điện nước và đi lại. Từ đây, bạn có thể cân nhắc xem mình nên chi bao nhiêu % của 5 triệu cho việc thuê nhà.