Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam vừa cập nhật, Chứng khoán MBS nhận định thanh khoản tiếp tục giảm mạnh và trong kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 280 điểm từ 900 – 1.180 điểm là chính.
Cụ thể, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chịu tác động mạnh trước bối cảnh bất ổn của thị trường chứng khoán toàn cầu và những thay đổi nhạy cảm về chính sách điều hành vĩ mô trong nước (xử lý, bắt bớ sai phạm…) dẫn tới là thị trường giảm mạnh nhất thế giới. Kể từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã để mất 32,2% và 33,9% kể từ đỉnh 52 tuần. Sau hơn 2 năm tăng mạnh, VN-Index lại về sát ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.
Giá cổ phiếu giảm sâu, một số nhóm ngành thậm chí có mức giảm mạnh hơn so với chỉ số VN-Index như: Bất động sản thương mại (-72%), chứng khoán (-59%), BĐS KCN (-50%), Thép (-48%)…
Khối ngoại bán ròng phần lớn thời gian trong năm 2022, tuy vậy chỉ hơn 2 tháng giai đoạn cuối năm, dòng vốn ngoại mà chủ yếu là qua kênh ETF quay lại thị trường rất mạnh. Lũy kế kể từ đầu năm, khối ngoại mua ròng hơn 1,15 tỷ USD, trong đó dòng vốn qua các quỹ ETF đạt gần 900 triệu USD. Đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài thường giải ngân mạnh tại thời điểm thị trường có những nhịp chiết khấu giá lớn do áp lực bán tháo như thời điểm tháng 5-6 và thời điểm tháng 11-12 vừa qua.
Năm 2022, thị trường chứng khoán cũng chịu sức ép trước những biến động điều hành của Ngân hàng Nhà nước trước áp lực tỷ giá và lãi suất. Dòng tiền trong hệ thống căng thẳng trước áp lực thanh khoản và câu chuyện niềm tin khi thị trường trái phiếu và đặc biệt là trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản chịu ảnh hưởng do làn sóng rút tiền của nhà đầu tư.
Xu hướng thanh khoản năm 2023 vẫn còn gặp khó khăn do: FED tiếp tục tăng lãi suất và neo giữ ở mức cao với đỉnh lãi suất 2023 dự kiến ở mức 5,1%; Fed và nhiều Ngân hàng Trung ương tiếp tục giảm dần bảng cân đối tài sản trong năm 2023; Nền lãi suất cao, cung tiền thận trọng, đáo hạn trái phiếu tạo lực cầu lớn về thanh khoản.
Với riêng thanh khoản thị trường chứng khoán tiếp tục giảm sụt giảm mạnh. Thanh khoản thị trường đạt đỉnh ở quý 1/2022 với bình quân 31.400 tỷ đồng/phiên trên toàn thị trường. Tuy nhiên, sau cú sốc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các vụ án hình sự cùng các làn sóng tin đồn thất thiệt lan rộng, thị trường điều chỉnh mạnh trong tháng 4, 5 và 8 khiến thanh khoản sụt còn 1/3 đến 1/2 đầu quý 4/2022.
Nhờ dòng tiền ngoại vào mạnh ở tháng 11, 12 nên thanh khoản đã trở lại ngưỡng 17.8000 tỷ đồng ở tháng cuối năm 2022. Theo thống kê, thanh khoản bình quân năm 2022 chỉ đạt 20.700 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2021. Như vậy, so với hồi đầu năm, thanh khoản hiện nay chỉ còn gần một nửa và chỉ bằng 1/3 so với mức đỉnh.
Dự báo năm 2023, thanh khoản sẽ tiếp tục giảm sụt về mức trung bình 15.000 tỷ đồng/phiên, tương đương giảm -30% so với bình quân 2022.
Dự báo xu hướng VN-Index năm 2023, Chứng khoán MBS cho rằng, với nền lãi suất duy trì ở mức cao hơn sẽ gây khó khăn cho dòng vốn vào thị trường chứng khoán, áp lực điều chỉnh và rung lắc sẽ vẫn sẽ tiếp diễn nửa đầu năm 2023.
Dự báo của MBS, trong kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 280 điểm từ 900 – 1.180 điểm là chính. Xu hướng khó khăn 6 tháng đầu năm nhưng tích cực hơn về 6 tháng cuối năm khi kỳ vọng áp lực lãi suất giảm bớt và kinh tế phục hồi trở lại. Kịch bản thận trọng, nếu suy thoái lớn bất ngờ xảy ra, VN-Index có thể về mức thấp nhất 780 điểm và dao động từ 780-1.080 điểm.
Dòng tiền tham gia bắt đáy mạnh mẽ trong thời điểm giữa tháng 11 đầu tháng 12 vừa qua một phần rất lớn do định giá đã chiết khấu về mức giá rẻ khi bị áp lực bán tháo, hạ đòn bẩy trong thời gian rất ngắn. Trên cơ sở đó, dòng vốn nước ngoài kích hoạt mua ròng đã khiến thị trường hồi phục khá mạnh kể từ vùng đáy 873 điểm.
Trong năm 2023, khả năng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tiếp tục sụt giảm do áp lực chi phí đầu vào và lãi suất tăng cao, định giá duy trì ở nền thấp sẽ là một cơ hội để chọn lọc mua vào tại vùng đáy chu kỳ.
Đối với chứng khoán thế giới, theo MBS, năm 2022 có lẽ là một năm khắc nghiệt chưa từng thấy với nhà đầu tư trên toàn cầu khi chịu tác động trước "cơn bão thanh khoản" khiến hàng ngàn tỷ đô bị thổi bay khỏi thị trường cổ phiếu thế giới, thị trường trái phiếu lao đao, thị trường tiền tệ, hàng hóa hỗn loạn và một vài đế chế tiền ảo sụp đổ.
Thị trường cổ phiếu toàn cầu “bốc hơi” 14 ngàn tỷ USD. Đà lao dốc diễn ra trong bối cảnh thế giới đã có gần 54 đợt nâng lãi suất, cuộc chiến ở Ukraine, câu chuyện lạm phát tăng vọt khi thế giới bước ra khỏi thế giới dịch bệnh. Đây cũng là năm tồi tệ nhất đối với S&P 500 trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây khi chứng kiến giảm ~ 19% so với đầu năm, lần đầu tiên ghi nhận mức giảm 2 chữ số kể thời kỳ Đại Suy thoái năm 2008.
Trong khi lạm phát vẫn chưa được kiểm soát, lãi suất tăng và giữ ở mức cao, thị trường việc làm suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn kỳ vọng, và những bất ổn địa chính trị tiếp tục là các tác nhân đẩy nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái nhẹ trong năm 2023.
Do đó, thị trường chứng khoán có thể sẽ đi ngang trong năm tới, và là năm đầu tiên không tăng trưởng trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây, trong đó thị trường sẽ biến động trong nửa đầu năm 2023 khi các biến số vĩ mô tiếp tục duy trì kém khả quan trước khi chứng kiến phục hồi trong nửa cuối năm khi Fed giảm tốc mức tăng lãi suất trên nền lạm phát được kiểm soát tốt hơn.
Các chiến lược gia nhấn mạnh nếu một cuộc suy thoái kết thúc vào cuối năm 2023, thị trường chứng khoán có thể bước vào một đợt tăng giá mới.
Một cuộc khảo sát gần đây đối với các nhà dự báo hàng đầu ở Phố Wall của đã đưa ra dự báo chỉ số S&P 500 có thể sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm và tạo đáy trong 2 quý đầu năm 2022 và có thể sẽ phục hồi về nửa cuối năm với mức ước tính trung bình của S&P 500 là 4.031 điểm (tăng nhẹ 4% so với mức 3.844 điểm hiện tại).