Sau khi tăng 5,2% trong tháng 2, ở thời điểm hiện tại, định giá P/E của VN-Index đang ở mức hợp lý vì thấp hơn 5,6% so với trung bình P/E 5 năm; Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dự kiến được cải thiện trong 2024 sẽ giúp chỉ số P/E hấp dẫn hơn. Tại vùng hiện tại, Vn-Index đang được giao dịch với mức P/E cuối năm 2024 là 12,0 lần, theo VnDirect.
Ngoài ra, định giá của VN-Index so với các thị trường mới nổi khác đang ở mức hợp lý khi so sánh về chỉ số P/E và ở mức rẻ hơn khi so sánh về chỉ số P/B tiêu chí so sánh mức P/B hiện tại so với bình quân 5 năm.
Chứng khoán sẽ nâng hạng trong tháng 9 nếu KRX sớm vận hành
Mặc dù xu hướng của VN-Index vẫn vận động tương đối tích cực, nhưng nhà đầu tư cần chú ý các điểm sau: Định giá thị trường đã sớm tiến gần tới vùng hợp lý và thị trường cần thời gian để kết quả kinh doanh cải thiện qua đó giúp định giá hấp dẫn trở lại. Rủi ro tỷ giá cần được chú ý khi tỷ giá USD/VND đã tăng 1,6% kể từ đầu năm và dần tiệm cận vùng đỉnh lịch sử 24.867. Vì vậy nhà đầu tư cần ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và thận trọng với các vị thế mua mới hoặc sử dụng đòn bẩy cao.
Một số yếu tố hỗ trợ trong tháng 3 bao gồm: Triển vọng kết quả kinh doanh Q1/2024 khá tích cực nhờ mức nền thấp của Q1/2023 và Dòng vốn đầu tư có dấu hiệu lan tỏa từ nhóm ngân hàng sang các nhóm ngành khác như chứng khoán, thép, tiêu dùng … và chưa cho thấy tín hiệu dòng vốn đang rút khỏi thị trường.
VNDirect đang nghiêng về kịch bản FED sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên trong Q2/24 và có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Ngoài ra, số liệu tích cực từ PMI, FDI và tăng trưởng xuất khẩu đang củng cố cho kịch bản khả quan về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024. Vì vậy kịch bản cơ sở cho thị trường chứng khoán năm 2024, theo đó VN-Index có thể chạm mốc 1.350 điểm tăng 19%.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể tăng mạnh hơn dự báo và qua đó giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng tích cực hơn. Khi đó thị trường chứng khoán có thể diễn biến tích cực hơn và vượt mốc 1.400 điểm tăng 23,9%.
Mặc dù hệ thống KRX đã bị chậm với kế hoạch vận hành vào cuối năm 2023, tuy nhiên các cơ quan quản lý đang nỗ lực để sớm đưa vào hệ thống vào vận hành nhằm thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường.
Hệ thống KRX vận hành không chỉ hỗ trợ triển khai các sản phẩm mới, cải thiện thanh khoản mà còn giúp thay thế toàn bộ hệ thống giao dịch và hệ thống thanh toán bù trừ hiện nay, đây cũng là điều kiện cần để các tổ chức xếp hạng xem xét nâng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi.
Nếu KRX đi vào vận hành trong nửa đầu năm 2024, Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được FTSE thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào T9/2024.
Dòng tiền khối ngoại sẽ cải thiện
Sau Tết Nguyên đán 2024, VN-Index chứng kiến đà tăng ấn tượng nhờ những tín hiệu vĩ mô khả quan trong nước.
Trong T2/24, đà tăng 18,1% của ngành Hóa chất được thúc đẩy bởi lực cầu mạnh mẽ vào GVR và DGC. GVR dẫn đầu với mức tăng 28,6% nhờ số liệu FDI tích cực. Theo sau là DGC với mức tăng 18,4% sv tháng trước, do giá phốt pho vàng tăng được hỗ trợ bởi nhu cầu phân bón của Ấn Độ và kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc khởi công xây dựng dự án Đức Giang- Nghi Sơn trong Q2/24.
Ngành Hóa chất và Vận tải dẫn đầu đà tăng của thị trường. Trong khi hiệu suất đáng chú ý từ đầu năm đến nay của ngành Hóa chất là 21,6% phần lớn nhờ vào đà tăng của GVR và DGC, thì ngành Vận tải tăng trưởng mạnh 17,2% so với đầu năm chủ yếu nhờ vào VTP khi giá cổ phiếu lập đỉnh trước thời điểm chuyển sàn từ UPCOM sang HOSE.
Thanh khoản thị trường tăng ấn tượng nhờ các thông tin vĩ mô tích cực trong nước và niềm tin nhà đầu tư tích cực sau Tết Nguyên đán. Giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn tăng 20,5% so với tháng trước (80,3% so với cùng kỳ) lên 22.558 tỷ đồng/phiên (HOSE: 20.135 tỷ đồng/phiên, +20,5% so với tháng trước; HNX: 1.558 tỷ đồng/phiên, +13,8% so với tháng trước , UPCOM: 865 tỷ đồng/phiên, +20,6% so với tháng trước).
Một số yếu tố thúc đẩy dòng tiền đổ vào thị trường bao gồm lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi, nền lãi suất thấp, kỳ vọng về việc ra mắt hệ thống KRX và tiềm năng nâng hạng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thận trọng với những rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn như việc Fed cắt giảm lãi suất muộn hơn kỳ vọng của thị trường và bất kỳ sự đảo chiều đáng kể nào đối với nền lãi suất dài hạn trong nước.
Sau khi ghi nhận đà mua ròng 1.166 tỷ đồng trong T1/24, khối ngoại quay ra bán ròng khi đà tăng của thị trường tăng tốc, dẫn đến giá trị bán ròng 1.285 tỷ đồng trong T02/24 (dữ liệu ngày 26/02/2024). Theo đó, giá trị bán ròng lũy kế tính từ đầu năm đến 26/2/2024 đạt 119 tỷ đồng. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài giảm nhẹ 0,1% xuống 8,5% vào T02/24.
Trong năm 2024, VNDirect tin rằng xu hướng dòng tiền của khối ngoại sẽ cải thiện hơn nhờ Fed xoay trục chính sách tiền tệ, từ đó giảm áp lực lên DXY; Chính phủ Việt Nam tiếp tục ưu tiên tăng trưởng, thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa và Kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhờ nới lỏng, cải tiến các chính sách liên quan đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.