Trong một báo cáo mới công bố, công ty thông tin tài chính S&P Global nhận định Nga nhiều khả năng sẽ không có đủ tàu để vận chuyển dầu thô của mình khi trần giá do nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) áp lên dầu Nga chính thức có hiệu lực.
“Điều này có thể gây rắc rối cho hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga sau khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển của EU chính thức có hiệu lực vào ngày 5/12 tới. Đây cũng chính là thời điểm G7 sẽ áp đặt giá trần đối với dầu Nga.
Chi tiết của cơ chế này, bao gồm mức giá trần, cách thực thi… hiện vẫn đang được G7 (gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Italy và Canada) và các nước thành viên EU thảo luận. G7 và EU đề xuất một cơ chế định giá, theo đó các chủ tàu chở dầu, công ty bảo hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ hàng hải khác nằm trong quyền tài phán của họ bị cấm cung cấp dịch vụ đối với các tàu chở dầu Nga, trừ khi dầu đó được bán bằng hoặc dưới giá trần.
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga đã điều hướng lại một phần dầu thô lẽ ra được xuất khẩu cho châu Âu sang Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Nam Á. Giới quan sát trong ngành dự báo lệnh trừng phạt của EU sẽ khiến xu hướng này tăng lên đáng kể. Đến nay, Moscow đã tìm nhiều cách khác nhau để điều hướng lại dòng chảy dầu, như xây dựng một đội tàu chở dầu đặc biệt nhằm tránh các lệnh trừng phạt.
Theo đó, Nga cần có đủ tàu để vận chuyển một lượng dầu xuất khẩu khổng lồ lên tới 3,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, do không nhiều chủ tàu sẵn sàng vận chuyển dầu Nga giữa trừng phạt, nước này được dự báo sẽ thiếu khoảng 110 tàu - S&P Global dẫn ước tính từ công ty môi giới vận tải biển Braemar. Tính toán này dựa trên giả định rằng Nga sẽ tiến hành hoạt động chuyển tải giữa hai tàu (STS) nhiều hơn nhằm che giấu nguồn gốc từ Nga.
Hiện tại, các chủ tàu có trụ sở đặt tại EU và G7 chiếm thị phần lớn trong hoạt động vận tải dầu của Nga. Dữ liệu của S&P Global cho thấy các hãng tàu này vận chuyển khoảng 55% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga từ Baltic và Biển Đen trong tháng 9.
“Việc Nga thiếu tàu biển phần lớn là do sự cạnh tranh gia tăng đối với loại tàu chịu được băng đá (ice-class ship) giữa cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu”, ông Fotios Katsoulas, nhà phân tích của S&P, cho biết. “Đây là loại tàu chuyên dụng cần để thực hiện các hải trình dài ngày khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực”.
Năm nay, các giao dịch mua tàu chịu băng đã qua sử dụng lên tới 1 tỷ USD, gấp năm lần so với năm 2021, theo dữ liệu từ hãng môi giới tàu biển EA Gibson có trụ sở ở London, Anh.
“Bên cạnh đó, thị trường cũng đang chứng kiến nhu cầu vận tải biển tăng lên, chủ yếu do sự thay đổi trong dòng chảy thương mại, phản ứng với các biện pháp trừng phạt của châu Âu với hàng hóa Nga và lệnh cấm cung cấp bảo hiểm vận tải biển cho tàu Nga sắp có hiệu lực”, ông Katsoulas nói và dự báo nguồn cung năng lượng sẽ bị thắt chặt hơn vào mùa đông.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định Nga vẫn có thể điều hướng lại phần lớn dầu xuất khẩu của mình. Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ mới đây nhận định Nga vẫn có thể tiếp cận đủ lượng tàu biển để vận chuyển tới 90% lượng dầu xuất khẩu của mình.
Công ty môi giới Braemar cũng nhận định Nga có khả năng tìm đến một đội tàu "ngầm" đang chủ yếu được dùng cho các giao dịch hàng hóa cho các nước bị trừng phạt như Iran và Venezuela. Theo đó, nước này có thể tiếp cận được hơn 200 tàu chịu băng dù sẽ phải cạnh tranh để sử dụng những tàu này.