Đối với ông Kees Huizinga, người đã rời quê hương Hà Lan đến làm trang trại ở miền trung Ukraine vào năm 2003, việc thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen không được gia hạn khiến tình hình tài chính của ông, vốn đã khó khăn do xung đột từ năm ngoái, thêm kiệt quệ.
“Chúng tôi có nguồn tiền dự phòng để có thể sống trong một tháng tới, nhưng nếu chúng tôi không bán được hàng thì đó sẽ là thảm họa”, ông Huizinga nói với hãng tin Reuters tại trang trại rộng 15.000 ha của mình ở một ngôi làng thuộc vùng Cherkasy, miền trung Ukraine.
Phải vay nợ để cầm cự
Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc và dầu hạt hướng dương hàng đầu đến các quốc gia Trung Đông và châu Phi. Thỏa thuận do Liên hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7/2022 cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, và thỏa thuận này được các bên xem như một giải pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ở thời điểm đó.
Xuất khẩu nông sản có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine, chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trước khi Nga mở chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022, và chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Trong số 60.000 tấn lương thực được trồng trên đất của ông Huizinga năm ngoái, 50.000 tấn đã được xuất khẩu ra nước ngoài thông qua Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Tổng cộng, Ukraine đã xuất khẩu được 33 triệu tấn nông sản thông qua thỏa thuận này.
Ông Huizinga cho biết, việc xuất khẩu nông sản của ông với sản lượng tương tự sẽ không thể thực hiện được nếu không có Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Người đàn ông đến từ Hà Lan này trồng 7 loại cây trồng chính bao gồm lúa mì và hướng dương. Ông ước tính việc kinh doanh bị gián đoạn do chiến sự đã khiến ông thiệt hại từ 3-6 triệu USD vào năm 2022 và có thể mất thêm 6 triệu USD nữa trong năm nay.
Huizinga cho biết, mỗi tấn lúa mạch ông bán ra chỉ thu về được 100 USD, bằng một nửa so với nông dân tại các nước khác ở châu Âu, trong khi chi phí vận chuyển tăng mạnh.
Khó khăn trong việc bán nông sản đã buộc ông Huizinga phải vay nợ để trang trải chi phí. “Một số nông dân có nguồn tiền dự trữ lớn sẽ bám trụ lâu hơn, nhưng những người khác có thể phải bán hoặc đóng cửa doanh nghiệp của mình, hay phải chuyển nhượng cho người khác”, ông nói.
Ông Yuriy - một trong những người làm việc trong nông trại của ông Huizinga - gần đây đã lái xe chở lúa mạch mới thu hoạch về kho chứa ở thị trấn Izmail, miền nam Ukraine, nơi có nhiều cảng sông để chuyển hàng.
Ông cho biết những người quản lý kho ở đây đã rất ngạc nhiên khi thấy lúa mạch trong vụ mùa 2023 được chuyển đến, trong khi lượng lớn hàng tồn từ năm ngoái vẫn chưa được xuất khẩu.
Không dễ tìm tuyến đường khác thay thế
Một số nhà phân tích kỳ vọng hầu hết những mặt hàng Ukraine dự định vận chuyển qua Biển Đen sẽ được đưa ra khỏi nước này bằng đường bộ, đường sắt và đường sông qua châu Âu, nhưng chi phí vận chuyển sẽ cao hơn và có khả năng khiến nông dân Ukraine giảm diện tích đất canh tác.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 20/7 cho biết, Ukraine đã đạt được tiến triển trong việc cải thiện các tuyến đường đó nhưng cách tốt nhất để xuất khẩu ngũ cốc là đi qua Biển Đen. Các nhà phân tích nói rằng, đó là cách 75% ngũ cốc của nước này được xuất khẩu ra thế giới trước chiến sự.
Tuyến đường chính còn lại để vận chuyển nông sản ra khỏi Ukraine là sông Danube, chạy dọc theo biên giới phía Tây Nam của Ukraine với Romania. Từ con sông này, ngũ cốc có thể được vận chuyển trực tiếp đến những người mua gần đó hoặc vận chuyển đến các trung tâm như Constanta ở Romania, nơi ngũ cốc được chất lên những con tàu lớn hơn cho những chuyến đi dài hơn.
Tuy nhiên, một đợt nắng nóng lan rộng khắp khu vực phía Nam của châu Âu khiến mực nước sông Danube xuống thấp, làm cho việc vận chuyển ngũ cốc trở nên khó khăn hơn.
Denys Marchuk, Phó chủ tịch Hội đồng nông nghiệp Ukraine, tổ chức kinh doanh nông nghiệp lớn nhất nước, ước tính các cảng Ukraine tại sông Danube chỉ có thể vận chuyển tối đa 3 triệu tấn nông sản mỗi tháng, kém xa so với tiềm năng xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, tình cảnh của nông dân Ukraine thêm khó khăn khi một số nước láng giềng phía tây Ukraine cấm nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine nhằm bảo vệ thị trường nội địa.
Ukraine dự kiến thu hoạch 44 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay, giảm so với mức thu hoạch kỷ lục 86 triệu tấn vào năm 2021. Cả ông Marchuk và Huizinga đều tin rằng các chuyến hàng ngũ cốc cần được tiếp tục vận chuyển qua Biển Đen ngay cả khi không có sự tham gia của Nga trong thỏa thuận. Liên hiệp quốc cho biết các ý kiến đang được thảo luận để có thể tiếp tục đưa ngũ cốc Ukraine ra thị trường toàn cầu.
Nga đã chính thức rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sau khi văn kiện này hết hạn vào ngày 17/7/2023. Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, cho biết Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ bị đình chỉ cho đến khi nhu cầu đưa lương thực và phân bón của Nga ra thế giới được đáp ứng. “Khi một phần của thỏa thuận Biển Đen liên quan đến Nga được thực hiện, Moscow sẽ ngay lập tức quay trở lại thực hiện thỏa thuận này”, ông Peskov nói.