Ngày 17/7, Nga tuyên bố sẽ không gia hạn một thỏa thuận quốc tế cho phép vận chuyển an toàn ngũ cốc của Ukraine thông qua các cảng của họ ở Biển Đen.
Theo Al Jazeera, gần 33 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu kể từ khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian và thiết lập một năm trước.
Điện Kremlin cho biết hôm 17/7 rằng Nga sẽ "quay trở lại với thỏa thuận ngay lập tức" nếu yêu cầu về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của họ được đáp ứng.
Sáng kiến Biển Đen là gì?
Trước xung đột, vào năm 2021, Nga và Ukraine lần lượt là nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ nhất và thứ 5 trên thế giới.
Vào tháng 7/2022, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho một thỏa thuận để Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Thỏa thuận sẽ cho phép các con tàu đi lại an toàn từ các cảng Yuzhny, Odesa và Chornomorsk của Ukraine đến Bosporus mà không bị tấn công.
Cùng với đó là một thỏa thuận riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hàng thực phẩm và phân bón của Nga. Nga từ lâu đã chỉ trích rằng một số phần của thỏa thuận liên quan đến những mặt hàng xuất khẩu này đã không được thực hiện.
Vào ngày 31/10/2022, Nga đã tạm thời rút khỏi thỏa thuận với lí do rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hạm đội Biển Đen của nước này ở Sevastopol. Ngay sau đó, Moscow tái gia nhập hiệp ước thêm 120 ngày nữa vào ngày 2/11. Vào tháng 3/2023, Moscow đồng ý gia hạn thời gian tham gia thỏa thuận thêm 60 ngày, sau đó tiếp tục gia hạn thỏa thuận vào tháng 5.
Bao nhiêu ngũ cốc đã được vận chuyển trong thời gian này?
Kể từ khi thỏa thuận được ký kết, dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy khoảng 32,9 triệu tấn ngũ cốc đã rời Biển Đen.
Phần lớn hàng ngũ cốc là ngô và lúa mì, số lượng lần lượt 16,9 triệu tấn và 8,91 triệu tấn.
Ukraine thường được gọi là "vựa lúa mỳ của châu Âu", với hơn 55% diện tích đất đai là đất canh tác. Sau xung đột, Ukraine vẫn là quốc gia sản xuất ngô lớn thứ 8 và nhà sản xuất lúa mì lớn thứ 9 trong giai đoạn 2022-2023.
Các mặt hàng thực phẩm khác được xuất khẩu trong cùng kỳ bao gồm khô dầu hướng dương (1,8 triệu tấn), dầu hướng dương (1,6 triệu tấn), lúa mạch (1,2 triệu tấn) và hạt cải dầu (1 triệu tấn).
Với việc tàu chở ngũ cốc Ukraine không được đảm bảo an toàn khi đi qua Biển Đen, quốc gia này sẽ khó thu được nguồn tiền lớn từ xuất khẩu. Dữ liệu từ Liên Hợp Quốc và Bộ Nông nghiệp và Hải quan Ukraine ước tính, việc Nga rút khỏi thỏa thuận Biển Đen có thể khiến Ukraine mất tới 500 triệu USD mỗi tháng.
Xuất khẩu đi đâu?
Theo Liên Hợp Quốc, 45 quốc gia trên 3 châu lục đã nhận được hàng hóa lương thực theo thỏa thuận này.
Khối lượng trung bình của các chuyến hàng rời Biển Đen là khoảng 32.450 tấn.
Khối lượng xuất khẩu cao nhất cho đến nay là sang Trung Quốc (7,96 triệu tấn, tương đương gần 25% tổng số); tiếp theo là Tây Ban Nha (5,98 triệu tấn); Thổ Nhĩ Kỳ (3,24 triệu); Ý (2,1 triệu); Hà Lan (1,96 triệu); và Ai Cập (1,55 triệu).
Liên Hợp Quốc cho biết thỏa thuận đã giúp đảo ngược giá lương thực tăng vọt hơn 20%, nhưng Nga cho biết nguồn cung cấp lương thực được vận chuyển qua hành lang ngũ cốc không đến được các nước nghèo nhất thế giới.
Nơi nào cần ngũ cốc nhất?
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), trước xung đột, Ukraine đã sản xuất đủ lương thực để nuôi sống 400 triệu người mỗi năm. Vào năm 2021, gần 2/3 tổng lượng thu mua ngũ cốc của cơ quan lương thực Liên Hợp Quốc đến từ Ukraine.
Liên Hợp Quốc cho biết thỏa thuận này cho phép WFP vận chuyển hơn 725.000 tấn lúa mì để giúp đỡ những người có nhu cầu ở các quốc gia bị chiến tranh và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Ethiopia đã nhận được hơn 1/3 trong số đó (262 nghìn tấn), với hơn 20% đến Yemen (151 nghìn tấn) và 18% đến Afghanistan (130 nghìn tấn).
Nana Ndeda, trưởng nhóm vận động và chính sách nhân đạo tại Save the Children, cho biết thỏa thuận này đã giúp ổn định thị trường toàn cầu và hạ giá lương thực ở nhiều nơi trên thế giới. Trả lời Al Jazeera từ thủ đô Nairobi của Kenya, bà nhận định: "Bây giờ, giá thực phẩm có thể sẽ tăng trở lại".
Ảnh hưởng khi thỏa thuận Biển Đen sụp đổ
Việc Nga rút khỏi thỏa thuận Biển Đen có thể gây ảnh hưởng tới cả thế giới.
Trả lời Global News, Matias Margulis, phó giáo sư về hệ thống lương thực tại Đại học British Columbia, cho biết sự sụp đổ của thỏa thuận thương mại "liên quan mật thiết đến an ninh lương thực toàn cầu" và có thể đẩy giá lương thực ở Bắc Mỹ lên cao hơn.
Tuy nhiên, tác động lớn nhất lên giá cả phụ thuộc vào cách thị trường phản ứng với tin tức và cách các quốc gia thiết lập chuỗi cung ứng nhằm duy trì nhập khẩu từ Ukraine trước sự sụp đổ của thỏa thuận, Margulis nói. Ông nói thêm, mặc dù lạm phát lương thực là một vấn đề lớn đối với người tiêu dùng ở Canada và Mỹ trong nhiều tháng qua, thì vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở các quốc gia đang phát triển.
Margulis nói: "Thật sự rất khó để xác định, nhưng sẽ rất đáng lo ngại nếu điều này gây thêm áp lực lên giá cả. Các tác động có thể không đáng kể ở Bắc Mỹ, nhưng nó sẽ gây thiệt hại hơn nhiều ở các nước đang phát triển, những nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thực phẩm".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 19/7 cho biết việc Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu qua Biển Đen có nguy cơ làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu và có thể đẩy giá lương thực lên cao hơn, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp.
Người phát ngôn của IMF cho biết tổ chức này sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những diễn biến đang diễn ra trong khu vực và tác động của chúng đối với tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.
"Việc ngừng sáng kiến này ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực cho các quốc gia phụ thuộc nhiều vào các chuyến hàng từ Ukraine, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á", quỹ này cho biết. "Nó làm xấu đi triển vọng an ninh lương thực và có nguy cơ làm tăng thêm lạm phát lương thực toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp".