Dương Yến (32 tuổi, quận 9, TP.HCM) hiện kinh doanh online, chồng chị Nguyễn Cương (34 tuổi) là nhân viên văn phòng.
Dịp lễ 30/4-1/5 được nghỉ gần 10 ngày, anh Cương bày tỏ mong muốn đưa các con đi du lịch xa.
“Chi phí tốn kém quá, lại đông đúc vì nghỉ dài ngày nên ai cũng có xu hướng đi du lịch, thôi đành để dịp sau”, chị Yến ngậm ngùi đáp.
Gia đình chị có 5 thành viên, mỗi lần muốn đi du lịch bằng máy bay cũng tiêu tốn khoảng 20-30 triệu đồng, chưa kể chi phí phát sinh, ngay cả những chuyến di chuyển bằng tàu hỏa, ôtô cũng khó khăn. Phần vì con gái út của chị còn bé, phần vì nhà đông người nên đồ đạc lỉnh kỉnh.
Câu chuyện của nhà chị Yến không phải ngoại lệ. Chi phí dịch vụ tăng cao trong những ngày lễ, nhiều gia đình cũng lựa chọn không đi du lịch.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines, nhận định giá vé máy bay trong dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay tăng cao từ sớm. Cụ thể, giá vé máy bay nội địa dịp 30/4, 1/5 tăng cao trong vòng 1-2 tháng trước đợt nghỉ lễ. Những chặng bay "hot" có mức giá cao hơn ngày thường vài triệu đồng. Một số chặng như Hà Nội - Phú Quốc có giá vé khứ hồi lên tới 8-9 triệu đồng.
Không chỉ vấn đề tiền bạc, lo ngại về sức khỏe cũng là nguyên nhân khiến một số gia đình không đi nghỉ lễ. TP.HCM đang trong cao điểm nắng nóng, thời tiết nóng bức khiến hệ miễn dịch của trẻ em bị ảnh hưởng. Cùng lúc, nhiều bệnh viện ở Hà Nội đang đón trẻ mắc bệnh về hô hấp, may mắn các bé đều ở tình trạng nhẹ.
Chi phí đắt đỏ, ngại đám đông
Lo lắng chi phí đi du lịch đắt đỏ, vượt quá ngân sách gia đình là rào cản khiến chị Yến chọn cho các con ở nhà hoặc vui chơi quanh nơi sinh sống.
“Hiện tại, bỏ ra 10-30 triệu đồng để đi du lịch đối với tôi là xa xỉ”, chị kể.
Đầu năm 2023, công ty anh Cương cắt giảm giờ làm và lương thưởng, kinh tế gia đình vì thế lại càng phải thắt chặt.
Tiền học của 3 con gái, thực phẩm, điện nước hàng ngày leo thang, lương của vợ chồng chị về chưa kịp ấm túi đã phải phân bổ hết.
"Những năm trước gia đình luôn có một phân chi phí cho hoạt động vui chơi, nhưng năm nay, chúng tôi phải siết lại khoản này".
Để những ngày nghỉ lễ ý nghĩa và tiết kiệm, vợ chồng chị Yến dự kiến dành một phần thời gian ở nhà để nghỉ ngơi, đưa các con đi bơi, cùng nhau nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.
Ngoài ra, vào những hôm nắng đẹp, cả nhà sẽ gói ghém đồ ăn nhẹ để đi cắm trại, chuyện trò.
Không quá lo lắng về chi phí đi lại như Dương Yến, song gia đình Phạm Quỳnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) lại ngại đi lại vì sợ cảnh chen lấn, đông đúc. Những lúc này, chưa kể tới trẻ con, người lớn cũng mệt nhoài vì các điểm vui chơi chỉ có người và người.
Kỳ nghỉ lễ 5 ngày sắp tới, vợ chồng Quỳnh dự định tranh thủ đưa con về quê. Phần vì con gái chị có thể hiểu thêm về nơi bố mẹ lớn lên, phần vì cả nhà thích cuộc sống ở quê.
“So với cảnh tắc đường nơi phố thị, gia đình tôi cảm thấy thoải mái với đường làng quê thưa thớt bóng xe máy, ôtô", chị nói.
Mỗi khi con cháu về thăm, bố mẹ chị Quỳnh lại phấn khởi, chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng, bánh ú. Cả sân nhà rộn ràng như ngày Tết.
Mỗi sáng, con gái chị Quỳnh được bà đưa đi phiên chợ quê, đi thăm họ hàng. Buổi chiều, người mẹ cũng tranh thủ đưa con đến những nơi gắn liền với tuổi ấu thơ như đi lội suối, tắm thác, đi biển.
Ngoài ra, vào các kỳ nghỉ trong năm, cả nhà chị Quỳnh thường đi loanh quanh thành phố, dạo chơi ở phố đi bộ, mỏi chân thì vào quán nhâm nhi tách cà phê.
“Nếu như ngày thường, TP.HCM ồn ào, vội vã bao nhiêu thì trong những ngày lễ lại bình yên, thong thả bấy nhiêu. Những dịp này làm tôi tạm quên cảnh chen chúc, tắc đường ở các ngã tư nổi tiếng tắc như Hàng Xanh, Bình Triệu...”, chị cho hay.
Bảo vệ sức khỏe gia đình
Lo lắng những khu vực đông đúc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con gái 2 tuổi, từ khoảng đầu tháng 4, vợ chồng Nguyễn Nhi (27 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã hủy chuyến du lịch Hạ Long trong dịp lễ 30/4-1/5 tới.
Chuyến đi này vốn được vợ chồng cô lên kế hoạch từ tháng 2 sau nhiều hôm tìm tòi, bàn bạc về các địa điểm khác nhau. Nhi thậm chí đã đặt phòng khách sạn, chuẩn bị thuê xe di chuyển.
Do phỏng đoán lượng du khách đổ về Hạ Long tăng cao sau thông báo tổ chức bắn pháo hoa, cô càng chắc chắn với quyết định của mình.
Thay vào đó, Nhi lên kế hoạch về thăm họ hàng xa ở Thái Bình. Đi lấy chồng chỉ cách nhà có một km, gia đình Nhi thường xuyên về ngoại, nhưng những lần về quê xa thì ít.
Trong chuyến thăm quê tới này, cô mong con gái sẽ có nhiều trải nghiệm với bầu không khí trong lành, phong cảnh thiên nhiên khác xa thành phố. Hai vợ chồng đều cùng làm trong ngành Y, lịch trực dày đặc, chỉ được nghỉ trùng với nhau 3 ngày, theo dự kiến, gia đình Nhi về quê 2 ngày, một đêm.
"Một điều mình lo lắng hơn là con yếu, dễ nhiễm bệnh nếu đi tới chỗ đông đúc. Bố mẹ đều phải trở lại công việc ngay sau kỳ nghỉ, nếu con ốm sẽ khổ cả mẹ, cả con", cô giải thích.
Cũng vì lo lắng cho sức khỏe của con gái nhỏ, gia đình Thanh Vân (30 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) sớm đã thống nhất ở nhà dịp lễ 30/4-1/5.
Hai năm trước, con gái bị ốm nặng bởi căn bệnh truyền nhiễm. Sau nhiều đêm chăm con quấy khóc ở bệnh viện, chị dặn lòng phải hạn chế đưa con đến những khu vực quá đông người, tránh các bệnh dễ lây.
“Tôi sẽ cho con ở nhà, chờ lúc nào vắng hoặc mọi người đi làm thì gia đình sắp xếp đi chơi sau”, chị chia sẻ.
Để những ngày ở nhà không bị nhàm chán, hai vợ chồng cùng nhau lên ý tưởng các trò chơi, hoạt động theo nhóm phù hợp cho cả ba người.
Ngoài ra, cả hai còn dạy con cách đánh đàn, ca hát hoặc làm quen với công việc làm vườn.
Mỗi buổi tối, cả nhà lại cùng vào bếp lo liệu cơm nước. Chồng nấu cơm, chị Vân cũng tranh thủ gọi con gái đến phụ giúp những việc lặt vặt như nhặt rau, rửa hoa quả,... để cùng con trò chuyện.
Thực tế, công việc của hai vợ chồng khá bận rộn, nếu đi chơi xa thường chỉ trong 3 ngày sẽ phải lên lịch, sắp xếp công việc từ sớm. Tuy nhiên, chị Vân không quá tiếc cơ hội du lịch thoải mái trong 5 ngày nghỉ tới, bởi lẽ cuối tuần nào cả nhà cũng cùng nhau ra ngoài vui chơi.
“Trẻ con ngày nay rất lanh lợi, thỉnh thoảng tôi cũng bị sốc vì không ngờ con biết nhiều thứ hơn mình tưởng. Do đó, tôi luôn mong có thể dành nhiều thời gian để trò chuyện, hỏi han con”, người mẹ chia sẻ.
Sát ngày lễ, nhiều điểm du lịch trên cả nước ghi nhận tình trạng cháy phòng. Ở Bình Định, nhiều khách sạn, resort đã được khách đặt chỗ đạt hơn 80% công suất phòng.
Tại huyện đảo Lý Sơn, từ ngày 29/4 đến 22/5, địa phương tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch biển đảo nhằm kích cầu du lịch năm nay.
Tại Phú Yên, số lượng phòng ở khách sạn, resort ven biển được đặt đã đạt 90%.
Theo ghi nhận của Zing, chủ các cơ sở lưu trú tại Măng Đen cho biết hiện tại homestay đã đạt công suất phòng tối đa vào ngày 29-30/4 và 1/5. Có nơi nhận khoảng 50 cuộc gọi của khách đặt phòng một ngày.
Còn ở Sa Pa, theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa, dự kiến, trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, nơi này sẽ đón 180.000-200.000 lượt khách. Tính đến ngày 24/4, công suất đặt phòng tại toàn thị xã Sa Pa ước đạt khoảng 98%.
Ở TP.HCM, các sản phẩm du lịch nội đô cũng nhận được sự quan tâm của nhiều du khách như tour Sài Gòn - Chợ Lớn, tour Biệt động Sài Gòn, tour Địa đạo Củ Chi...