Tại Hội nghị về công tác điều hành tín dụng ngày 16/9 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đa số các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đánh giá việc điều hành tín dụng của NHNN trong thời gian qua là phù hợp. Các ý kiến đều cho rằng chúng ta chưa thể bỏ công cụ hạn mức tín dụng. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022 được cho là phù hợp trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch và đã tăng cao hơn so với năm trước. Đồng thời, cần có tỷ lệ phân bổ theo chất lượng hoạt động của các TCTD tránh việc phân bổ cào bằng; và việc thông tin riêng đến từng TCTD là cần thiết vì phân bổ theo xếp loại không thể công khai ra công chúng ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các TCTD.
Các ý kiến tại Hội nghị cũng cho rằng nếu tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao sẽ dẫn đến nguy cơ chạy đua lãi suất giữa các TCTD và an toàn hệ thống. Đa số lãnh đạo các ngân hàng như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, SHB, MB,… đều đồng tình với đánh giá, nhận định của NHNN về tình hình kinh tế vĩ mô và các giải pháp chỉ đạo, điều hành của NHNN thời gian qua. Nền kinh tế trong nước đang chịu nhiều áp lực do tác động lan tỏa của biến động kinh tế toàn cầu. Chúng ta phải đảm bảo kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn một cách hợp lý nhất để vừa kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo phục hồi và tăng trưởng. NHNN phải đối mặt với nhiều áp lực lớn, do đó việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng để tránh ảnh hưởng đến lạm phát là điều tất yếu.
Đồng thời các ý kiến cũng kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả phát triển và thu hút vốn trung và dài hạn từ các kênh khác như trái phiếu, chứng khoán và thu hút đầu tư nước ngoài… Nền kinh tế không nên quá phụ thuộc vào vốn tín dụng với bản chất kinh tế chủ yếu phục vụ vốn ngắn hạn và lưu động… Hiện nay, xã hội đang có xu hướng tập trung quá nhiều vào tín dụng ngân hàng thậm chí kể cả vốn trung và dài hạn, điều đó tạo áp lực lên hệ thống ngân hàng và lâu dài ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Tại Hội nghị, bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông cho biết, qua thu thập, phân tích thông tin dư luận từ báo chí, các chuyên gia kinh tế, vấn đề hạn mức tín dụng là đề tài nóng được cộng đồng doanh nghiệp, báo chí quan tâm trong suốt mấy tháng qua. Phần lớn dư luận đều đánh giá cao công tác điều hành tín dụng của NHNN, tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng, việc chậm nới room tín dụng thì sẽ lỡ mất thời cơ tăng trưởng, hay nên bỏ hạn mức tín dụng vì công cụ này đã lạc hậu, là biện pháp hành chính và không còn ý nghĩa? Hay có ý kiến cho rằng hạn mức tín dụng không có mối liên hệ với lạm phát, không tác động đến lạm phát; việc phân bổ hạn mức tín dụng chưa đảm bảo khách quan, tạo cơ chế xin cho…
Tuy nhiên các tổ chức quốc tế khuyến cáo Việt Nam, NHNN phải kiểm soát hạn mức tín dụng. Gần đây WB, IMF, hay các tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu đều cảnh báo về tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đang ở mức cao. Mới đây Moody’s đã nâng mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, nhưng tiếp tục cảnh báo về các tỷ lệ này, là một trong những tỷ lệ cao nhất trong số quốc gia xếp hạng Ba và Baa. Chưa kể áp lực ngắn hạn đối với tỷ giá, lãi suất, vấn đề tăng vốn của các ngân hàng không theo kịp quy mô tăng tín dụng… cũng các tổ chức quốc tế (IMF, WB, Fitch Ratings, S&P) cảnh báo.
Nhiều chuyên gia đánh giá cao sự điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN trong thời gian qua trong việc góp phần kiềm chế lạm phát và phục hồi kinh tế sau dịch.
Các chuyên gia cũng cho rằng xếp hạng theo Thông tư 52 là minh bạch, công bằng, khách quan, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD và an toàn hệ thống cũng như kiểm soát lạm phát, bảo vệ được tăng trưởng, đồng thời đảm bảo được hài hòa giữa các mục tiêu mà đôi khi các mục tiêu đan xen lẫn nhau, chúng ta phải sử dụng các biện pháp mà đôi khi không phải là biện pháp hành chính nhưng đang phát huy hiệu quả và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD.
Bên cạnh đó, liên quan đến tiếp cận vốn của doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, giải ngân chậm do hạn mức tín dụng. Tuy nhiên nhiều quan điểm cho rằng việc không tiếp cận được vốn có nguyên nhân do họ không đáp ứng được yêu cầu chuẩn mực của TCTD. Việc này các TCTD cần phải giải thích rõ cho khách hàng nguyên nhân không tiếp cận được vốn mà không nên “đổ lỗi” hết cho hạn mức tín dụng.
Bà Sen cho rằng cần có sự thống nhất, đồng thuận, chia sẻ và thấu hiểu để cùng nhau làm cho dư luận hiểu thêm về việc điều hành chính sách của ngành ngân hàng đang phải chịu rất nhiều sức ép đặc biệt từ bối cảnh thế giới. Trong nước, việc huy động vốn từ các kênh khác đang gặp khó khăn nên “đổ dồn” áp lực lên tín dụng ngân hàng.
Ông Phạm Quang Dũng- Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng là một tham số kinh tế vĩ mô rất quan trọng, các NHTW trên thế giới đều kiểm soát chỉ tiêu này trực tiếp hoặc gián tiếp. Tại Việt Nam từ 2011 đến nay, NHNN đã thực hiện phân bổ chỉ tiêu tín dụng, biện pháp này đã góp vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô,… Tiêu chí phân bổ cho các ngân hàng càng ngày càng được làm chặt chẽ hơn theo Thông tư 52.
Theo bà Ngô Thu Hà – Quyền Tổng Giám đốc SHB, trong bối cảnh vĩ mô của năm 2021 – 2022, việc điều hành CSTT, chính sách tín dụng của NHNN đã góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế, tạo thuận lợi cho các ngân hàng triển khai hoạt động kinh doanh. Cơ bản ngân hàng đồng thuận với định hướng và các chỉ tiêu phân bổ.
Cùng quan điểm, ông Lưu Trung Thái – Tổng Giám đốc MB cho rằng, thực tế nhiều năm qua đã chứng minh phương pháp điều hành tín dụng của NHNN và phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng TCTD đã phát huy hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc thông báo chỉ tiêu TTTD ngay từ đầu năm cũng giúp các TCTD chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cũng đồng tình với các định hướng điều hành CSTT, tín dụng được Thống đốc NHNN đề ra tại Chỉ thị 01 ngay từ đầu năm. Cũng theo ông Vũ, việc áp dụng chỉ tiêu hạn mức tín dụng cho tiêu chí tham gia xử lý các TCTD yếu kém là hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ cho các ngân hàng có thêm nguồn lực.