Ngày 28/9/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Tại hội nghị, đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp đã chia sẻ về kết quả đạt được của hoạt động sản xuất kinh doanh và những khó khăn mà ngân hàng và doanh nghiệp đang phải đang phải đối mặt, những vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa hai bên. Các ngân hàng và doanh nghiệp đã có những trao đổi, trực tiếp đối thoại, giải đáp và nêu các giải pháp cụ thể tháo gỡ những vướng mắc được nêu liên quan đến một số vấn đề nổi bật như: các chính sách hỗ trợ, lãi suất, tài sản đảm bảo, vấn đề bảo lãnh tín chấp…
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Sáng, Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) chi nhánh Bắc Ninh cho biết, tăng trưởng tín dụng của chi nhánh này từ đầu năm đến nay bị âm khoảng 120 tỷ đồng do dư nợ tăng mới không đủ bù đắp các khoản trả nợ của khách hàng. Các chi nhánh họp giao ban hàng tuần, lên kế hoạch kinh doanh từng ngày nhưng vẫn không tăng trưởng nhiều.
Theo đại diện LPBank, lãi suất không phải là lý do khiến cho kết quả tăng trưởng tín dụng của LPBank chi nhánh Bắc Ninh sụt giảm, vấn đề ở đây là hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Nguyên nhân chính khiến vốn không đi được vào nền kinh tế là do khách hàng rất khó khăn. Bối cảnh chung không thuận lợi khiến doanh nghiệp sản xuất không có đầu ra, tồn kho nhiều, buộc phải co mình để giảm chi phí.
Thứ hai là do ngân hàng thận trọng trong việc cho vay vốn. Ông cho biết, nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác hoặc để trang trải chi phí tối thiểu nên ngân hàng phải xem xét kỹ phương án vay vốn. Nếu không, họ trả được 1-2 tháng rồi lại phải xử lý nợ.
"Ngân hàng cũng rất khó khăn khi thừa vốn, muốn tìm cách đẩy vốn ra bên ngoài, giảm lãi suất tất cả kênh cho vay cũ, mới", Đại diện LPBank chia sẻ và nhấn mạnh: "Lãi suất đã giảm mạnh và không thể giảm được nữa, giảm nữa là ngân hàng lỗ".
Theo ông Sáng, biên lợi nhuận của ngân hàng đang ở mức 3,7%, trong khi vẫn còn nhiều chi phí đi kèm như trích lập dự phòng, chi phí nhân sự.
"Lãi chỉ khoảng 0,2 - 0,3%. Ngân hàng đang là doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp nhất", ông cho hay.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng Giám đốc BIDV cũng cho biết, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân và hấp thụ vốn của nền kinh tế, tuy nhiên trong quá trình triển khai, BIDV vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất, do hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục gặp khó khăn, dẫn đến không đảm bảo thực hiện chính sách tín dụng. Hai là, do tình hình khó khăn chung, nhiều khách hàng không thực hiện mở rộng sản xuất kinh doanh, không phát sinh nhu cầu vốn.
"Nhiều doanh nghiệp khó khăn kéo dài, lợi nhuận âm và ảnh hưởng tới xếp hạng tín dụng. Ngân hàng nắm bắt và rà soát lại để xem có hiệu chỉnh xếp hạng doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp không nhưng mấu chốt cuối cùng vẫn là sức khỏe của doanh nghiệp. Ngân hàng có thể hạ lãi suất nhưng cũng áp lực cho ngân hàng nếu hạ chuẩn cho vay, gây ảnh hưởng sức khỏe của ngân hàng và ảnh hưởng tới nền kinh tế. Do đó, điều ngân hàng có thể làm tốt nhất lúc này là đưa ra các chương trình tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp với chi phí thấp nhất", bà Giao nhấn mạnh.
Thông tin tại hội nghị, Ông Nguyễn Xuân Bắc , Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%, điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Về điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế: NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Đến nay, các TCTD cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận, ông Phạm Thanh Hà chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa danh mục hồ sơ vay vốn của khách hàng theo hướng tinh gọn, trên cơ sở triển khai các giải pháp tích hợp, đồng bộ chứng từ trong hệ thống ngân hàng; đẩy mạnh việc chuyên môn hóa chức năng, nhiệm vụ các nhóm công việc, các khâu trong quy trình cho vay, áp dụng công nghệ để tiến tới tự động hóa toàn bộ quy trình vay vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ khách hàng; Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.
Về lãi suất, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng tập trung tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm 1,5-2%) đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Công khai các loại phí đối với khách hàng liên quan đến các hoạt động tín dụng, thanh toán và dịch vụ tiền tệ khác.