BIDV mới đây cho biết sẽ thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty CP gỗ Phú Minh để xử lý nợ. Khoản nợ tính đến ngày 15/6/2023 có giá trị hơn 51 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 35 tỷ và nợ lãi là 16 tỷ. Tài sản đảm bảo thực hiện thu giữ là quyền sử dụng đất có địa chỉ tại Tổ 3, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội có diện tích 286 m2. Ngoài ra, tài sản còn có Biệt thự tại Lô III – 1/1, 151A Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, diện tích 120,5m2
BIDV cũng thông báo bán đấu giá loạt bất động sản tại thành phố Hà Nội, trong đó có nhiều biệt thự giá trị hàng chục tỷ đồng. Chẳng hạn, bất động sản có diện tích 93,99 m2 tại số 485 phố Đội Cấn, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội được rao bán với giá khởi điểm hơn 25 tỷ đồng. Bất động sản diện tích 80 m2 tại Tổ 1, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Tp. Hà Nội có giá từ 10,26 tỷ. Hay quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Khu chợ thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Tp, Hà Nội có diện tích 127,2m2 với giá hơn 17,4 tỷ đồng.
MSB mới đây cũng thông báo đấu giá nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản. Trong đó, 2 bất động sản của Công ty CP thép Việt Pháp tại thành phố Đà Nẵng được rao bán với giá khởi điểm hơn 15,6 tỷ đồng.
Một khách hàng cá nhân đem thế chấp 11 “sổ đỏ” tại MSB để vay vốn cũng rơi vào nợ xấu và bị ngân hàng đem ra đấu giá tài sản để thu hồi nợ. Trong đó, 3 bất động sản có địa chỉ tại Thôn Trại, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, Ninh Bình. 8 bất động sản còn lại có địa chỉ tại Bản Xa, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Giá khởi điểm của toàn bộ 11 bất động sản là hơn 7,6 tỷ đồng, giá của từng tài sản là từ 63—846 tỷ đồng.
Tại Agribank, ngân hàng rao bán một lúc 4 bất động sản là đất ở tại Khu dân cư Ba Deo, khu phố 1, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với giá khởi điểm 10,5 tỷ đồng. Agribank cũng rao bán 3 quyền sử dụng đất tại quận Hà Đông, TP Hà Nội với diện tích 66,4 - 80 - 462 m2 với giá khởi điểm lần lượt là 2 tỷ - 1,4 tỷ và 11,5 tỷ.
Theo chuyên gia, các ngân hàng đang phải đối mặt với áp lực nợ xấu khá lớn trong thời gian tới. Trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các nhà băng đều ghi nhận nợ xấu tăng lên, đồng thời hoạt động phát mại tài sản không còn thuận lợi như những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường địa ốc đóng băng, trong khi tài sản thế chấp tại các ngân hàng chủ yếu là bất động sản, khiến việc rao bán nợ, rao bán tài sản khó thành công dù đã giảm giá nhiều lần. Thống kê tại báo cáo tài chính quý 2/2023 của các nhà băng cũng cho thấy, khoản lãi từ hoạt động khác (chủ yếu là từ xử lý nợ) trong 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.