Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1/2023 của ngân hàng là 2.549 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, VPBank chỉ đứng ở vị trí thứ 10 trong các ngân hàng TMCP về lợi nhuận.
Điều đáng nói, chỉ cách đây 1 năm, vào quý 1/2022, VPBank đã gây bất ngờ cho thị trường khi báo lãi trước thuế hợp nhất tới 11.146 tỷ đồng, vượt Vietcombank để trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống.
Báo cáo tài chính riêng lẻ thì cho thấy, lợi nhuận ngân hàng mẹ VPBank quý 1/2023 đạt 4.116 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ và đứng thứ 7 hệ thống NHTMCP. Như vậy, các công ty con của ngân hàng, đặc biệt là FE Credit ghi nhận khoản lỗ tương đối trong quý 1 năm nay, kéo lợi nhuận của VPBank hợp nhất xuống thấp.
Xét kỹ hơn về ngân hàng mẹ VPBank, lợi nhuận quý 1 năm nay giảm phần lớn do ngân hàng không có khoản thu nhập đột biến như cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, đầu năm 2022, VPBank ghi nhận khoản phí trả trước đáng kể từ việc ký kết thoả thuận độc quyền với công ty bảo hiểm nhân thọ AIA. Tuy giảm so với quý 1/2022 nhưng lợi nhuận quý 1/2023 vẫn cao hơn so với cùng kỳ của những năm trước đó.
Tổng thu nhập hoạt động quý 1/2023 của VPBank riêng lẻ đạt 8.541 tỷ đồng, giảm 39,7% so với quý 1/2022. Nếu loại trừ lãi từ hoạt động khác (bao gồm khoản thu đột biến từ Banca) thì tổng thu nhập vẫn có tăng trưởng dương, với động lực từ thu nhập lãi thuần (tăng 8,5%), lãi hoạt động dịch vụ (tăng 43,6%).
Chi phí hoạt động quý 1 của VPBank riêng lẻ là 1.996 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro tăng 20,6% lên 2.429 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản ngân hàng mẹ VPBank đạt 628.884 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,2%, đạt 395.096 tỷ. Số dư trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục giảm xuống còn hơn 28.000 tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng tăng 7,8% đạt 331.323 tỷ đồng. Cơ cấu tiền gửi tiếp tục chuyển dịch sang tiền gửi có kỳ hạn. Trong khi tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm 17,5% thì tiền gửi có kỳ hạn tăng 14%.
Nợ xấu tại ngân hàng mẹ tăng 33% trong 3 tháng đầu năm lên 13.513 tỷ đồng. Nếu tính cả FE Credit, nợ xấu ngân hàng hợp nhất tăng 15% so với đầu năm lên 28.938 tỷ đồng.