Trong đó, VPBank đang có kỳ vọng tăng trưởng huy động lớn nhất trong số các ngân hàng kể trên. Cụ thể, nhà băng này đặt mục tiêu huy động tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá trong năm 2023 sẽ đạt 518.192 tỷ, tăng 41% so với năm 2022.
Theo sau là VIB với kế hoạch huy động 292,6 nghìn tỷ trong năm 2023, tăng 26,2% trong năm 2023.
OCB đứng thứ 3 với kỳ vọng tổng huy động từ thị trường 1 sẽ vượt 173 nghìn tỷ trong năm 2023, tăng 26% so với năm trước.
HDBank thì lại dự kiến tổng huy động sẽ đạt gần 459,4 nghìn tỷ trong năm nay, tăng 25% so với năm 2022. Trong đó, ngân hàng dự kiến huy động hơn 330,4 nghìn tỷ từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá; số còn lại là từ các khoản nợ chính phủ/ngân hàng nhà nước, vốn tài trợ ủy thác đầu tư, tiền gửi và vay ở các tổ chức tín dụng.
Hôm 23/04 vừa qua, đại hội cổ đông LienVietPostBank cũng đã thông qua tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2023 của ngân hàng. Trong đó, ngân hàng dự kiến huy động từ thị trường một sẽ vượt 295,7 nghìn tỷ trong năm 2023, tăng 17,8% so với năm 2022.
VietABank và Vietbank có cùng kế hoạch tăng huy động từ tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá thêm 17%. Trong đó, VietABank dự kiến đến cuối năm 2023, tổng huy động từ 2 nguồn trên sẽ đạt 82,1 nghìn tỷ; Vietbank thì lại dự kiến con số này sẽ đạt 95 nghìn tỷ.
Theo sau là VietCapitalBank với kế hoạch tăng trưởng huy động là 69 nghìn tỷ, tăng 16% so với năm trước.
Vừa qua, đại hội cổ đông SHB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023. Trong đó, ngân hàng đề xuất 2 kịch bản kinh doanh 1)tăng trưởng tín dụng 10%; 2) tăng trưởng tín dụng 14%. Với kịch bản thứ nhất, SHB dự kiến huy động từ thị trường 1 sẽ đạt hơn 49 nghìn tỷ,, tăng 12,05% so với năm trước; còn trong kịch bản thứ hai, SHB ước tính huy động từ khu vực dân cư sẽ đạt gần 60,2 nghìn tỷ, tăng 14,78%.
Tương tự với Nam A Bank, chủ trương nâng tổng huy động lên mức 155 nghìn tỷ (tăng 12,8%) cũng đã được đại hội đồng cổ đông chấp thuận.
Với SeABank, huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá được ban lãnh đạo dự kiến sẽ tăng trưởng ròng 18.000 tỷ, ứng với mức tăng 12%.
Sacombank và Eximbank có cùng kỳ vọng tăng trưởng huy động là 11%. Trong đó, Sacombank dự kiến tổng huy động sẽ đạt 574,6 nghìn tỷ vào cuối năm nay; còn Eximbank mong muốn con số này ở mức 165 nghìn tỷ.
PGBank và MSB là hai trong số ít các ngân hàng còn lại có kế hoạch tăng trưởng huy động trên 10%. Theo đó, PGBank đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tổng huy động sẽ đạt hơn 47,2 nghìn tỷ, tăng 10,6% so với năm 2022; Còn MSB lại mong muốn, huy động vốn từ thị trường 1 và trái phiếu sẽ ở mức 142 nghìn tỷ, tăng 10% so với năm trước.
Một số ngân hàng hiện đang ghi nhận kế hoạch tăng trưởng huy động thấp hơn 10% gồm: ACB (8,1%); NCB 6,34%); TPBank và Saigonbank (6%); Kienlongbank (2,84%); ABBank (2%).
Các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank cũng đã công bố kế hoạch huy động vốn năm 2023. Tuy nhiên, những nhà băng này vẫn chưa chốt con số cụ thể cho chỉ tiêu này, chủ yếu do chờ sự chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2023, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ đạt 0,77%, trong khi hồi năm trước con số này là 2,15%. Tín dụng vẫn đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với huy động.
Khảo sát mới đây của Vụ thống kê - Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý II/2023 và tăng 9,2% trong năm 2023, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 10% tại kỳ điều tra trước.
Giới phân tích hiện đang kỳ vọng, với hàng loạt chính sách hỗ trợ từ cơ quan điều hành, nhu cầu tín dụng sẽ sớm quay trở lại. Có thể trong quý II/2023, tăng trưởng huy động sẽ mạnh hơn, do các ngân hàng phải chuẩn bị nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh quay lại.