Sau những khó khăn của giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận chuyển biến tích cực.
Dù vẫn chứng kiến sự phân hóa mạnh trong kết quả kinh doanh của các nhóm ngân hàng, xu hướng tăng trưởng dương vẫn chiếm ưu thế trong mùa báo cáo kinh doanh nửa đầu năm nay.
Vietcombank, Techcombank, BIDV dẫn đầu
Thống kê báo cáo tài chính bán niên của nhóm ngân hàng niêm yết, đã có 22/29 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương. Trong đó, quán quân lợi nhuận 6 tháng vẫn thuộc về cái tên quen thuộc - Vietcombank.
Tính riêng quý II, Ngân hàng Ngoại Thương vẫn thu về hơn 10.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, do khoản lợi nhuận quý I giảm 4%, tính chung 6 tháng, lợi nhuận của Vietcombank chỉ tăng 2%, đạt hơn 20.835 tỷ đồng.
Dù không ghi nhận mức tăng trưởng cao như những kỳ trước, mức lợi nhuận kể trên vẫn giúp Vietcombank tiếp tục "cô đơn" trên đỉnh lợi nhuận nửa đầu năm nay.
Xếp vị trí thứ 2 trong danh sách này là Techcombank, dù còn cách xa so với lợi nhuận Vietcombank ghi nhận được, nửa đầu năm nay, ngân hàng nơi tỷ phú Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch HĐQT đã vượt mặt các ngân hàng quốc doanh còn lại về hiệu quả kinh doanh.
Tính riêng quý II, Techcombank đạt khoản lãi trước thuế hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục theo quý của ngân hàng. Lũy kế 6 tháng, lãi trước thuế hợp nhất của Techcombank đạt 15.628 tỷ đồng, cũng tăng 39%.
Hai quý đầu năm nay, BIDV tiếp tục duy trì vị trí chắc chắn trong top 3 lợi nhuận toàn ngành với khoản lãi trước thuế gần 15.549 tỷ đồng, tăng 12%. Trong đó, động lực tăng trưởng chính của nhà băng này là mảng tín dụng với thu nhập lãi thuần tăng hai chữ số.
Các vị trí xếp sau lần lượt là MB với khoản lãi trước thuế 13.428 tỷ đồng, tăng 5%. Kỳ này, dù nguồn thu nhập lãi thuần sụt giảm nhưng Ngân hàng Quân đội lại ghi nhận tăng trưởng cao ở các mảng kinh doanh ngoài lãi như dịch vụ, chứng khoán, ngoại hối, góp vốn mua cổ phần... nhờ đó vẫn duy trì tăng trưởng dương ở chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong khi đó, Agribank và VietinBank chỉ xếp thứ 5 và 6 trong nhóm những ngân hàng lãi cao nhất với khoản lãi trước thuế lần lượt đạt 13.269 tỷ (-2%) và 12.960 tỷ đồng (+3%).
Cùng góp mặt trong câu lạc bộ trên chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận nửa đầu năm nay là ACB. Riêng quý II, ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy thu về 5.598 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 16%. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất từ trước đến nay của ACB, qua đó nâng lợi nhuận lũy kế 6 tháng lên 10.491 tỷ đồng, tăng 5%.
Những bước nhảy vọt
Không nằm trong nhóm dẫn đầu về kết quả lợi nhuận, nhưng so với các ngân hàng cùng quy mô tài sản, HDBank là một trong những nhà băng có hiệu quả kinh doanh tốt nhất nửa đầu năm nay.
Với khoản lãi bán niên 8.164 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2023, HDBank cũng nằm trong nhóm ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất nửa đầu năm.
Không giống nhóm ngân hàng quốc doanh, tăng trưởng lợi nhuận của HDBank đến chủ yếu ở mảng kinh doanh chính là tín dụng với thu nhập lãi thuần bán niên tăng gấp rưỡi. Kết quả này đến từ việc HDBank ghi nhận được mức tăng trưởng tín dụng 13% trong nửa đầu năm nay, trong khi tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất ngành.
Tương tự, VPBank và LPBank cũng là nhóm ngân hàng đạt tăng trưởng lợi nhuận cao giai đoạn vừa qua. Trong đó, VPBank thu về 8.665 tỷ đồng (+68%) và LPBank thu về 5.919 tỷ đồng (+142%).
Tuy vậy, ngân hàng có bước nhảy vọt về kết quả lợi nhuận nửa đầu năm nay là BVBank với khoản lãi trước thuế 153 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Động lực tăng trưởng chính của BVBank đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi - cho vay - với thu nhập lãi thuần tăng 57%, trong khi mảng kinh doanh ngoại hối cũng tăng 65% nhờ doanh số mua bán ngoại tệ tăng mạnh. Cùng với đó, các mảng dịch vụ, chứng khoán và hoạt động khác cũng tăng trưởng mạnh.
Những gam màu tối
Dù xu hướng tăng trưởng dương chiếm đa số, bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng nửa đầu năm nay vẫn còn những gam màu tối.
Như trường hợp của VIB, nửa đầu năm nay, ngân hàng của Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ vẫn thu về 4.605 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, kết quả này đã giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
VIB cho biết nguyên nhân chính dẫn đến đà sụt giảm lợi nhuận là do hoạt động kinh doanh cốt lõi suy giảm và ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Tương tự, 6 tháng năm nay, OCB cũng bị giảm 18% lợi nhuận trước thuế với nguyên nhân chính là thu nhập từ lãi tăng không đáng kể, trong khi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng.
Tại ABBank, dù lợi nhuận trước thuế quý II tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước đạt 311 tỷ đồng, do phải bù đắp khoản thâm hụt lợi nhuận quý I nên tổng lợi nhuận 6 tháng vẫn giảm 14%, đạt 582 tỷ đồng.
Trong khi đó, NCB có lãi tăng hơn 6 lần trong quý II nhưng số lợi nhuận này chỉ đủ bù đắp cho khoản lỗ quý I, dẫn tới lợi nhuận 6 tháng chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng, giảm 48%.
Đáng chú ý, Agribank là ngân hàng quốc doanh duy nhất ghi nhận lợi nhuận suy giảm trong nửa đầu năm nay.
Trong báo cáo phân tích mới nhất, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán MSB dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay chỉ tăng 12%, thấp hơn so với năm trước.
Nguyên nhân là biên lãi ròng tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay giảm theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước trong khi lãi suất huy động tăng nhẹ ở hầu hết ngân hàng.
Tương tự, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán VPBankS dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ tăng 15% năm nay với giả định NHNN không tăng lãi suất và các ngân hàng lớn đạt được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm.