Số liệu mới nhất về kết quả đấu thầu trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước cho biết trong phiên giao dịch 7/12, nghiệp vụ mua kỳ hạn tiếp tục được cơ quan quản lý tiền tệ sử dụng để bơm tiền Đồng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.
Theo đó, trong phiên này, NHNN đã bơm ròng hơn 7.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua các giao dịch mua kỳ hạn trên thị trường mở, đánh dấu phiên mua ròng thứ 15 liên tiếp trên kênh này. Ngoài ra, tính trong 13/15 phiên giao dịch gần nhất, nhà điều hành chỉ thực hiện nghiệp vụ mua kỳ hạn tín phiếu để bơm tiền ra và không phát sinh bất kỳ giao dịch bán tín phiếu hút tiền về nào.
Ước tính, tổng giá trị tiền Đồng được cơ quan quản lý tiền tệ bơm ra thị trường qua nghiệp vụ mua kỳ hạn giai đoạn này lên tới hơn 102.500 tỷ đồng. Nếu tính từ thời điểm nới room tín dụng cho các nhà băng (ngày 5/12), NHNN cũng đã bơm ròng gần 27.500 tỷ đồng ra thị trường.
Đáng chú ý, trong phiên gần nhất, bên cạnh giao dịch mua tín phiếu với kỳ hạn 14 ngày, giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, thực hiện với 7 thành viên tham gia và trúng thầu, nhà điều hành đã ghi nhận giao dịch mua kỳ hạn 91 ngày, giá trị gần 3.000 tỷ đồng, áp dụng với 4 thành viên trúng thầu.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm NHNN phải sử dụng tới giao dịch mua kỳ hạn lên tới 91 ngày để bơm tiền hỗ trợ các ngân hàng thương mại. Với thời gian kể trên, gần 3.000 tỷ đồng này sẽ lưu thông trong nền kinh tế tới đầu tháng 3/2023 mới quay trở lại NHNN.
Bên cạnh đó, việc lãi suất trúng thầu của các giao dịch mua kỳ hạn 91 ngày từ NHNN chỉ ở mức 6,33%/năm, chỉ cao hơn 0,33 điểm % so với mức 6%/năm của kỳ hạn 14 ngày, cho thấy nhà điều hành chủ động bơm tiền ra với kỳ hạn dài hơn để dòng tiền chảy trong nền kinh tế lâu hơn.
Việc cơ quan quản lý tiền tệ duy trì 15 phiên bơm ròng khối lượng tiền Đồng liên tiếp qua kênh giao dịch thị trường mở cũng cho thấy NHNN đang muốn tăng khối lượng tiền trong hệ thống ngân hàng để đáp ứng các nhu cầu vay vốn tăng cao khi room tín dụng được nới lên mức 15,5-16%, so với kế hoạch đầu năm là 14%.
Tạm tính với quy mô dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 10,4 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2021, quyết định nới room kể trên của NHNN đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ được bơm thêm khoảng 156.000-200.000 tỷ đồng trong năm nay thông qua hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, phần room tín dụng được nới thêm kể trên cộng với phần room tín dụng còn lại chưa dùng hết trong kế hoạch ban đầu, ước tính tổng hạn mức tín dụng cho nền kinh tế trong riêng tháng 12 sẽ đạt khoảng 400.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc NHNN nới room tín dụng có thể tạo áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng thương mại. Đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn - tín dụng ở mức âm.
Trong bối cảnh này, NHNN đã phải liên tục thực hiện các giao dịch bơm tiền thông qua thị trường mở để điều hòa thanh khoản của hệ thống. Ngược lại, các giao dịch mua kỳ hạn trước đó của NHNN vẫn đều đặn đáo hạn giúp lượng tiền Đồng trong hệ thống không quá dôi dư, tạo điều kiện để lãi suất cho vay VNĐ trên kênh liên ngân hàng duy trì ở mức trên 5%/năm.
Trong các phiên giao dịch sau quyết định nới room tín dụng, lãi suất cho vay VNĐ chéo giữa các nhà băng đã ghi nhận xu hướng gia tăng. Trong đó, phiên 6/12 ghi nhận lãi suất cho vay qua đêm đạt 5,52%/năm, tăng 0,21 điểm % so với phiên liền trước.
Tương tự, các mốc lãi suất cho vay kỳ hạn dài hơn cũng đạt lần lượt 6,65%/năm với kỳ hạn 1 tuần; 6,4%/năm với kỳ hạn 2 tuần và 8,56%/năm với kỳ hạn 1 tháng, đều tăng so với trước khi nới room.
Đáng chú ý, lãi suất cho vay kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng lại ghi nhận diễn biến giảm, nhưng vẫn duy trì ở mức trên 10%/năm.