Chiều 4/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5. Buổi họp báo diễn ra sau phiên họp Chính phủ diễn ra vào sáng cùng ngày.
"Nguồn cung bất động sản sẽ không thiếu do kiểm soát tín dụng"
Về vấn đề siết tín dụng bất động sản trong thời gian qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết gần đây xuất hiện một số thông tin, chuyên gia dùng từ "siết tín dụng bất động sản". Tuy nhiên, ngân hàng chưa có văn bản nào về siết, thắt đối với lĩnh vực bất động sản.
Phó thống đốc nhấn mạnh quan điểm của cơ quan quản lý tiền tệ từ trước đến nay là chưa bao giờ siết chặt tín dụng với bất động sản.
Quan điểm Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, đặc biệt là các dự án phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng... mang tính chất đầu cơ, lũng đoạn giá.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.
"Quan điểm Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, đặc biệt là các dự án phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng... mang tính chất đầu cơ, lũng đoạn giá. Tinh thần chỉ đạo này của chúng tôi sẽ tiếp tục trong năm 2022 và những năm tiếp theo", ông nhấn mạnh.
Ngược lại, ông Tú cho biết các dự án bất động sản nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, đều là những sản phẩm cần thiết và vẫn được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích cho vay. "Không phải tất cả bất động sản bị kiểm soát chặt chẽ và nguồn cung bất động sản cũng không thiếu do kiểm soát tín dụng", Phó thống đốc nói.
Đến giữa tháng 4, số dư nợ tín dụng bất động sản tăng hơn 2 triệu tỷ đồng , tăng 10,1% so với 2021. So cùng kỳ năm 2021 có tăng nhanh hơn. Tổng dự nợ bất động sản chiếm hơn 19,16% tổng dư nợ nền kinh tế.
Tiến độ giải ngân
Trả lời về tiến độ thực hiện gói phục hồi phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tổng thể chương trình gần 350.000 tỷ đồng thuộc các chương trình khác nhau cả về tài khóa, tiền tệ, trong đó không bao gồm 46.000 tỷ đồng của chương trình vaccine.
"Hiện tổng số tiền còn lại khoảng 301.000 tỷ đồng . Có nhiều hoạt động cho thấy kết quả giải ngân, 22.000 tỷ đồng ", ông nói.
Thứ nhất, về chương trình cho vay thông qua ngân hàng chính sách xã hội, ông cho biết theo báo cáo đã thực hiện giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng trên tổng số 19.000 tỷ đồng cho hơn 100.000 khách hàng vay vốn.
"Thứ 2 là chương trình hỗ trợ công nhân thuê nhà, tính đến ngày 20/5 đã giải ngân được 1,7 tỷ đồng trên tổng số 6.600 tỷ đồng cho 2.500 người lao động theo Quyết định 08 của Chính phủ", ông nói.
Về miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, đã hỗ trợ 11.800 tỷ đồng trên 64.000 tỷ đồng theo Nghị định 15 của Chính phủ. Ông đánh giá chương trình này đã được thực hiện sớm, ngay từ tháng 2.
"Chương trình thứ 4 hỗ trợ chi phí gia hạn nộp thuế và hỗ trợ thuê đất, tổng giá trị 135.000 tỷ đồng tác động ngân sách khoảng 6.000 tỷ đồng và đã giải ngân được khoảng 22.000 tỷ đồng ", lãnh đạo Bộ Kế hoạch đầu tư cho hay.
Liên quan 113.000 tỷ đồng đầu tư công, ông cho biết quy trình, trình tự được thực hiện tương tự kế hoạch đầu tư công, trải qua từng bước. Hiện đã thực hiện xong bước một tức thông báo đến bộ ngành địa phương danh mục dự án, số tiền để làm căn cứ thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư. Bước thứ 2, tổng hợp danh mục đã được phê duyệt để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Dự kiến rơi vào quý III-IV.
Mới 19/63 tỉnh đã nhận hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà
Nói về thực trạng nhiều người lao động than khó tiếp cận và làm hồ sơ nhận tiền hỗ trợ thuê nhà, Thứ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết theo báo cáo đến ngày 3/6 có 19 tỉnh, thành đã nhận hồ sơ tiền thuê nhà của doanh nghiệp.
"Cụ thể, số hồ sơ tiếp nhận đề nghị hỗ trợ là 2.007 doanh nghiệp với hơn 46.461 lao động, số tiền đề nghị hỗ trợ hơn 33,2 tỷ đồng . Số hồ sơ đã thẩm định phê duyệt là 319 doanh nghiệp, với 21.361 lao động, số tiền quyết định phê duyệt là 25,4 tỷ đồng . Số hồ sơ đã giải ngân là 100 doanh nghiệp với 297 lao động khoảng 3,1 tỷ đồng ", bà nói.
Thứ trưởng Hà thừa nhận việc triển khai gói hỗ trợ tại nhiều địa phương hơi chậm do gặp một số vướng mắc do cán bộ địa phương gặp khó trong hướng dẫn doanh nghiệp; số nơi chưa bố trí kịp nguồn tiền đang chờ ngân sách trung ương phân bổ.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp e ngại lao động trục lợi chính sách nên phát sinh quy định như cung cấp giấy tạm trú hoặc hợp đồng thuê nhà làm chậm tiến độ phê duyệt hồ sơ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa chủ động trong khi số lao động lớn.
"Nhiều doanh nghiệp với số lao động lớn chờ 2-3 tháng mới làm hồ sơ cho lao động. Điều này dẫn đến một số địa phương triển khai Quyết định 08 chậm", bà Hà lý giải.
Về giải pháp, bà cho biết Bộ cũng đã ban hành công văn yêu cầu các tỉnh, thành đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8. Về thủ tục viết đơn và xác nhận danh sách rất đơn giản. Chủ yếu do doanh nghiệp sợ trục lợi nên phát sinh 2 yêu cầu thủ tục với lao động.
"Chúng tôi đã có hướng dẫn cơ quan chuyên môn đốc thúc gỡ khó trong quá trình triển khai. Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo UBND các huyện sớm xem xét phê duyệt danh sách, phối hợp liên đoàn lao động, doanh nghiệp rà soát lập danh sách lao động đủ điều kiện kịp thời nhận hỗ trợ", bà Hà cho hay.