Ngân hàng Nhà nước vừa công bố báo cáo đánh giá tổng quan tình hình tăng trưởng tín dụng hiện nay cũng như định hướng nửa cuối năm 2022. Trong đó, nhà điều hành đề cập đến các chỉ tiêu làm cơ sở để phân bổ tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.
Chỉ tiêu không tách rời định hướng
Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Chỉ tiêu định hướng 14% nêu trên được Ngân hàng Nhà nước xây dựng trên cơ sở: tình hình tăng trưởng tín dụng thực tế của năm 2021 (tăng 13,61%, cao hơn mức 12,17% của năm 2020); mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, lạm phát khoảng 4% và dự toán Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 34/2021/QH15.
Các tiêu chí này được xem xét theo nguyên tắc chung và được Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông nhất trên cơ sở tham mưu của các đơn vị chức năng. Chủ trương được công bố công khai ngay từ đầu năm tại Chỉ thị số 01 hàng năm về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước.
Theo đại diện cơ quan này, trong quá trình điều hành chỉ tiêu 14%, Ngân hàng Nhà nước cập nhật và bám sát diễn biến lạm phát, tăng trưởng GDP, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, tiến độ xây dựng, thực hiện Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ để thường xuyên cập nhật các dự báo kinh tế vĩ mô, rà soát điều chỉnh mô hình, đảm bảo phù hợp với tình hình diễn biến thực tiễn của thị trường.
Tuy nhiên, mặc dù định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% nhưng nhà điều hành vẫn điều chỉnh linh hoạt dựa trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước.
Vậy, cơ sở để Ngân hàng Nhà nước phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng tổ chức tín dụng trên hai cơ sở chính là gì?
Thứ nhất, theo kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng dựa trên các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN.
Thứ hai, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như: tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng
"Các tiêu chí này được xem xét theo nguyên tắc chung và được Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông nhất trên cơ sở tham mưu của các đơn vị chức năng. Chủ trương được công bố công khai ngay từ đầu năm tại Chỉ thị số 01 hàng năm về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh trong báo cáo.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng những tháng đầu năm 2022 tăng nhanh trước diễn biến phục hồi của nền kinh tế và tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Cụ thể, tín dụng đến ngày 30/6/2022 tăng 9,35% so với cuối năm trước (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021), là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua; trong đó số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 3,21% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,49% tổng dư nợ tín dụng (cùng kỳ 2021 giảm 4,67%, chiếm 2,27%).
Vì sao chưa từ bỏ Room tín dụng?
Chia sẻ thêm về việc một số tổ chức tín dụng phản ánh hết "room", Ngân hàng Nhà nước cho biết chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm.
Đồng thời, việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao...
Một số tổ chức tín dụng phản ánh hết "room", chủ yếu là do các đơn vị này tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao...
Ngân hàng Nhà nước.
"Với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trước năm 2011, tín dụng là kênh cung ứng vốn chủ lực cho nền kinh tế, tăng rất nhanh, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng nhanh; gây bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao ở mức hai con số, an toàn hệ thống tài chính bị đe dọa nghiêm trọng (bong bóng giá bất động sản, chứng khoán), nhiều tổ chức tín dụng yếu kém, rủi ro thanh khoản gia tăng, các tổ chức tín dụng rơi vào "vòng xoáy" đua lãi suất huy động nguồn vốn để cho vay, nợ xấu tăng cao... đặt hệ thống ngân hàng trước nguy cơ tiềm ẩn đổ vỡ.
Thời điểm đó, các tổ chức quốc tế (IMF, WB và Moody’s) cảnh báo việc nới lỏng tín dụng, nợ xấu gia tăng, căng thẳng thanh khoản giai đoạn này đã đe dọa nghiêm trọng sự ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống. Đây là bài học sâu sắc cho ngành ngân hàng sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, hệ lụy để lại hết sức nặng nề, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vẫn còn tiếp tục kéo dài đến nay; đòi hỏi điều hành tín dụng phải thận trọng để không lặp lại các vấn đề đã mắc phải trong quá khứ, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời chuyển giao dần vai trò cân đối vốn trung dài hạn cho nền kinh tế sang các phân khúc thị trường tài chính thay thế dần cho tín dụng ngân hàng.
Do vậy, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng định hướng toàn ngành và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.