Đây là yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước tại công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng trưởng tín dụng năm 2022.
Theo công văn, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình của hệ thống và các tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành phù hợp theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Đến cuối tháng 8/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt gần 10%. T
Trước việc nhiều ngân hàng thương mại cạn room (hạn mức tín dụng), đầu tháng 9/2022 Ngân hàng Nhà nước đã tăng hạn mức tín dụng cho 15 ngân hàng thương mại với mức tăng 1-4%.
Trước đó, trao đổi với MarketTimes, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam chia sẻ; Việc siết tín dụng vào các lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán là cần thiết. Mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn, nhưng để nới room tín dụng Ngân hàng Nhà nước cũng hết sức cẩn trọng vì Chính phủ cần nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
"Trong mọi trường hợp, cần đảm bảo vốn cho lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…", TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.