Hàng trăm điểm giao dịch được mở mới
Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng, từ đầu năm đến nay, ít nhất đã có khoảng 15 NHTM được NHNN cho phép mở mới các phòng giao dịch hoặc chi nhánh tại địa bàn các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp và đông dân cư.
Trong đó, Vietcombank là ngân hàng “chịu khó” mở rộng địa bàn nhất với 14 chi nhánh, phòng giao dịch được mở mới tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đồng Nai và Long An.
Ngoài Vietcombank, các ngân hàng VietinBank và BIDV thời gian qua cũng đã mở thêm một loạt chi nhánh, phòng giao dịch tại Quế Võ (Bắc Ninh), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Diễn Châu (Nghệ An) và Pleiku (Gia Lai).
Ở khối NHTMCP, các ngân hàng như VietCapital Bank, BacABank, Kienlongbank, NamABank, TPBank, Techcombank và HDBank cũng tham gia mở rộng địa bàn nhiều nhất tại các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội và TP.HCM.
Đơn cử, trong hai quý đầu năm 2022, BacABank đã liên tiếp thành lập 5 chi nhánh mới tại Hòa Bình, Hải Dương, Bình Thuận, Đồng Tháp và An Giang. Viet Capital Bank, trong tháng 4, đồng loạt khai trương 1 chi nhánh và 12 phòng giao dịch mới, đặc biệt, chi nhánh Bắc Giang khai trương vào cuối tháng 4/2022 là điểm giao dịch thứ 100 của Viet Capital Bank và là tỉnh thành thứ 30 có hiện diện ngân hàng này.
Trong khi đó, NamABank mở thêm 4 chi nhánh tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Phú Yên và dự kiến mở thêm 2 chi nhánh tại Nghệ An và Bạc Liêu. Sau khi mở mới thành công 21 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm qua, HDBank đã mở thêm 3 chi nhánh tại các tỉnh miền núi phía Bắc là Yên Bái, Cao Bằng và Tuyên Quang nâng tổng số điểm giao dịch của HDBank lên 329 điểm trên cả nước.
Không chỉ ngân hàng nội, các ngân hàng nước ngoài cũng đã tập trung mở rộng địa bàn về các địa phương có vùng công nghiệp phát triển, nhiều công nhân, người lao động trong bối cảnh nhiều địa phương dồn dập mở mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Chẳng hạn mới đây, Shinhan Việt Nam đã mở thêm hai chi nhánh tại Quế Võ (Bắc Ninh) và Biên Hòa (Đồng Nai). Trong khi đó, Public Bank Berhab cũng đã thành công mở thêm 4 chi nhánh tại Hà Nội, TP.HCM và Quảng Nam.
Trải rộng độ phủ của tín dụng chính thống
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc mở mới các chi nhánh, phòng giao dịch ngoài Hà Nội và TP.HCM của các ngân hàng là diễn biến tích cực cho thấy quá trình phổ cập và phổ biến dịch vụ tài chính – ngân hàng tại Việt Nam đang có những bước tiến bền vững.
Đại diện Navigos Group – một đơn vị nghiên cứu thị trường lao động ngành tài chính - ngân hàng cho rằng, sau đại dịch Covid-19 hoạt động số hóa và giao dịch trực tuyến trở nên phổ biến. Các ngân hàng sẽ có xu hướng cơ cấu lại mạng lưới điểm giao dịch, đồng thời mở thêm các chi nhánh ở các địa bàn nông thôn có vùng khu công nghiệp nhằm tranh thủ phát triển sản phẩm, dịch vụ truyền thống.
Nếu trước đây các ngân hàng đua nhau xin giấy phép mở mới mạng lưới giao dịch ở các đô thị lớn, thì nay không ít nhà băng đã chuyển hướng về khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa để khai thác các địa bàn này khi sức ép cạnh tranh tại các đô thị lớn ngày càng gay gắt.
Hơn nữa Thông tư 21/2013/TT-NHNN của NHNN quy định, các NHTM chỉ được phép thành lập tối đa 10 chi nhánh ở mỗi khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM. Khi chấm dứt hoạt động chi nhánh tại nội thành Hà Nội và TP.HCM thì ngân hàng được phép thành lập tại các địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác số chi nhánh tương ứng với số chi nhánh đã chấm dứt hoạt động ngoài số lượng chi nhánh tối đa được phép thành lập trong một năm theo quy định.
Vì vậy, việc hàng loạt ngân hàng mở rộng địa bàn tại các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội, TP.HCM cho thấy số lượng chi nhánh ngân hàng ở các khu vực thành phố lớn đã đủ. Đồng thời hầu hết các ngân hàng cũng đã đáp ứng được các tiêu chí về sức khỏe tài chính để tham gia mở rộng địa bàn ở các khu vực mới.
Quan sát trên thị trường cho thấy, cùng với việc mở rộng địa bàn ở khu vực nông thôn, hiện nay các ngân hàng đều tận dụng tối đa ứng dụng công nghệ, tập trung phát triển các sản phẩm như: thẻ tín dụng nội địa, ví điện tử liên kết tài khoản, đồng thời bổ sung nhiều tiện ích thanh toán trên các app di động.
Các chi nhánh, phòng giao dịch được mở mới tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng nguyên liệu nông sản đều được các ngân hàng tính toán phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính hướng đến tệp khách hàng chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng, như: cho vay tiêu dùng qua hình thức thấu chi, cho vay tín chấp mua sắm nhà cửa, phương tiện vận tải, tài trợ vốn lưu động theo vòng quay sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu…
Thực tế, trong thời gian qua ngân hàng số phát triển rất mạnh các dịch vụ mở tài khoản, thanh toán trực tuyến kết nối các nền tảng thanh toán, tuy nhiên mạng lưới truyền thống vẫn đang là một kênh tiếp cận người dân chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Vì thế có thể nói, việc phủ rộng mạng lưới về các vùng nông thôn của hệ thống ngân hàng hiện nay đã giúp người dân, doanh nghiệp ở các địa phương tiếp cận tốt hơn các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thống và hạn chế sự bành trướng của các hình thức tín dụng đen. Hoạt động mở rộng địa bàn về khu vực nông thôn của các ngân hàng cũng chính là bàn đạp để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025 có ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của NHTM/100.000 người trưởng thành mà Chính phủ đã đặt ra trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia giai đoạn 2021-2025.