Singapore đã mở cửa thị trường cho các ngân hàng thuần sử dụng kỹ thuật số. Điều này khiến các công ty, bao gồm dịch vụ đặt xe Grab, nhà điều hành mạng di động Singtel và nhà cung cấp tài chính trực tuyến Ant Group của Trung Quốc đầu tư vào các nền tảng mới ra mắt trong những tháng gần đây.
Theo Nikkei Asia, sự xuất hiện của các tập đoàn tập trung vào công nghệ đã làm dấy lên lo ngại rằng các ngân hàng truyền thống ở Singapore và các thị trường Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia và Việt Nam có thể bị mất thị phần.
Mối đe dọa
Hiện tại, các giám đốc điều hành ngân hàng lớn không cần phải mất ăn mất ngủ trước sự cạnh tranh tiềm năng này. Hầu hết ngân hàng hiện tại của Đông Nam Á đều có thương hiệu đáng tin cậy, cơ sở khách hàng lớn và một loạt các sản phẩm và dịch vụ thúc đẩy các mô hình kinh doanh có lãi.
Ngân hàng số và ngân hàng ảo vẫn cần thời gian để cạnh tranh với những thế mạnh đáng gờm này.
Tuy nhiên, mối đe dọa là có thật, dù không phải là ngay lập tức.
Theo thời gian, lợi thế của các ngân hàng kỹ thuật số đầu tiên sẽ bắt đầu có giá trị, đặc biệt là ở những người tiêu dùng Đông Nam Á trẻ tuổi và am hiểu công nghệ. Cơ sở hạ tầng dựa trên đám mây hiện đại, trải nghiệm người dùng xuất sắc và sự sẵn sàng nhúng các dịch vụ tài chính vào các nền tảng khác có thể bắt đầu mang lại lợi thế cho các công ty mới nổi so với các đối thủ cạnh tranh.
Nhiều người đã mong đợi các dịch vụ tài chính, đặc biệt là thanh toán, sẽ có sẵn ở những nơi họ sử dụng cuộc sống kỹ thuật số của mình. Điều này thường không có trên các nền tảng ngân hàng truyền thống.
Nghiên cứu của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) mà Episode Six được ủy quyền vào đầu năm nay dự báo rằng các tổ chức phi tài chính sẽ xử lý 74% các khoản thanh toán tiêu dùng toàn cầu vào năm 2030.
Đến lúc đó, IDC hy vọng 80% các khoản thanh toán của người tiêu dùng được xử lý bởi các ngân hàng kỹ thuật số sẽ được thực hiện thông qua thiết bị di động hoặc các thiết bị được kết nối khác. Trong khi đó, 95% các khoản thanh toán không tiền mặt sẽ là thanh toán không tiếp xúc, cho dù bằng thẻ, điện thoại hoặc một cái gì đó ảo trên đám mây. Bất kỳ ai ở Đông Nam Á đều có thể thấy điều này xảy ra với các siêu ứng dụng phổ biến trong khu vực, bao gồm Grab, GoTo hay như MoMo ở Việt Nam.
Người dân dần quen với các giao dịch không tiền mặt. Ảnh: Reuter.
Nếu những ngân hàng lâu năm cam kết đầu tư nhiều hơn vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của riêng họ trong vòng 5 đến 10 năm tới, họ sẽ có thể củng cố và duy trì lợi thế của mình so với thế hệ đối thủ mới này. Nếu họ không sẵn lòng hoặc không thể làm điều đó, trong tương lai, mô hình kinh doanh cũ sẽ gặp rủi ro từ những người mới tham gia.
Thực tế là công nghệ hiện có của các ngân hàng ở Đông Nam Á không phù hợp với mục đích kỹ thuật số.
Nghiên cứu của IDC cho thấy 86% tổ chức tài chính châu Á - Thái Bình Dương vẫn có cơ sở hạ tầng công nghệ thanh toán chưa được trang bị tốt cho sự thay đổi liên tục trong sở thích của người tiêu dùng. Điều đó khiến doanh thu thanh toán 201 tỷ USD gặp rủi ro vào năm 2030.
Cần nhấn mạnh rằng để thành công, các ngân hàng kỹ thuật số thậm chí không cần phải lấy khách hàng từ các ngân hàng truyền thống. Nhiều nơi ở Đông Nam Á, số người có điện thoại di động nhiều hơn lượng người có tài khoản ngân hàng. Điều này cung cấp một thị trường sẵn sàng cho những người mới đến.
Tất nhiên, lợi nhuận của loại hình kinh doanh này lại là một câu hỏi khác.
Áp lực thay đổi
Vì vậy, các ngân hàng trong khu vực không nên ngồi yên. Sự ra mắt của Ngân hàng GXS tại Singapore của Grab và Singtel nhanh chóng được theo sau bởi Trust Bank, một liên doanh giữa Standard Chartered và siêu thị địa phương FairPrice Group.
Tại Indonesia, các ngân hàng lớn như Bank Central Asia đã và đang mua lại các đối thủ nhỏ để chuyển đổi chúng thành các nền tảng kỹ thuật số.
Sẽ có nhiều giao dịch như vậy trong tương lai. Điều này cung cấp cho các ngân hàng truyền thống một cách để tăng tốc số hóa. Nó cũng giúp các nhà cung cấp công nghệ tài chính quyền truy cập vào các thương hiệu và cơ sở khách hàng đáng tin cậy của những người đương nhiệm.
Chúng được dựa trên một nguyên tắc đơn giản rằng các dịch vụ tài chính cần được truy cập thông qua các nền tảng mà mọi người đang ngày càng dành nhiều thời gian của họ. Khái niệm tài chính nhúng này có ý nghĩa đối với các tất cả các loại hình ngân hàng.
Các ngân hàng truyền thống cần có sự chuyển đổi kỹ thuật số. Ảnh: Nikkei Asia.
Trên thực tế, tất cả ngân hàng hiện nay đều là kỹ thuật số, hoặc nên như vậy. Trong quá khứ, mọi người thường mua sắm, giải trí và trực tiếp lái xe. Các hoạt động này diễn ra ở một thị trấn hoặc thành phố, do đó, các ngân hàng cũng cần thiết có sự hiện diện thực tế. Giờ đây, tất cả các dịch vụ này và nhiều dịch vụ khác đều được cung cấp thông qua điện thoại di động. Do đó, tất cả các ngân hàng đều phải như vậy.
Những thay đổi trong lĩnh vực ngân hàng lúc đầu có thể diễn ra rất chậm những sẽ dần trở nên ồ ạt. Chúng tôi đã thấy điều này từ những ngày đầu của ngân hàng trực tuyến.
Khi làn sóng ngân hàng kỹ thuật số mới giành được thị phần, cách họ phục vụ khách hàng sẽ đặt ra kỳ vọng cho toàn ngành. Họ cũng sẽ ngày càng trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm theo thời gian. Vì vậy, các ngân hàng truyền thống của Đông Nam Á không thể trì hoãn việc đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số.
Những chuyển đổi này sẽ rất tốn kém đối với các ngân hàng truyền thống và có thể phá vỡ các mô hình hoạt động lâu đời. Nhưng sự xuất hiện của các ngân hàng đầu tiên kỹ thuật số và sự thúc đẩy kỹ thuật số là tin tốt cho toàn xã hội vì điều này sẽ tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính. Ví dụ, ở Indonesia, từ 65% đến 75% dân số sử dụng điện thoại nhưng chỉ một nửa số công dân của nước này có tài khoản ngân hàng.
Sự bao trùm hơn về mặt tài chính có thể là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự thịnh vượng của các gia đình và doanh nghiệp nhỏ, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế trong toàn khu vực.
Các ngân hàng đã tồn tại trong nhiều thập kỷ cuối cùng sẽ nhận ra rằng những gì tốt cho đất nước cũng sẽ tốt cho chính họ.