Việc “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng từ lâu đã trở thành luật bất thành văn, đặc biệt khi áp lực lợi nhuận không ngừng đè nặng lên vai mỗi nhân viên tín dụng.
Ranh giới giữa việc “ép” hay tự nguyện thường rất mong manh khi nhu cầu được giải ngân khoản vay của khách hàng ngày càng cao, đặc biệt khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi trở lại.
Thu hàng nghìn tỷ đồng
Dữ liệu từ FiinPro cho thấy MBBank đang là ngân hàng đứng đầu về doanh thu từ bán bảo hiểm, đạt hơn 5.060 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tăng 30% so với cùng kỳ 2021. Năm ngoái, MB Bank cũng là ngân hàng đứng đầu về khoản mục này, đạt 8.386 tỷ đồng.
Doanh thu từ bảo hiểm đóng góp tích cực giúp MBB trở thành một trong những ngân hàng thương mại kinh doanh hiệu quả nhất năm vừa qua, xét về các chỉ số lợi nhuận.
MBBank hiện đang sở hữu hai công ty bảo hiểm là MIC và MB Ageas Life - giúp doanh thu mảng này của ngân hàng không ngừng tăng trong thời gian qua, chiếm khoảng 70% doanh thu từ các hoạt động dịch vụ.
MBBank không phải là ngân hàng duy nhất thu nghìn tỷ từ kinh doanh bảo hiểm. Trong nửa đầu năm 2022, quán quân lợi nhuận của khối ngân hàng tư nhân VPBank cũng có khoản thu hơn 1.500 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. VPBank đã hợp tác với AIA Việt Nam để kinh doanh sản phẩm bảo hiểm của công ty này.
Có 7 ngân hàng ghi nhận doanh thu kinh doanh bảo hiểm hơn 100 tỷ đồng, bao gồm MBBank, VPBank, Techcombank, VIB, TPBank, SeaBank và Ngân hàng Phương Đông.
Tuy nhiên đây là con số chưa đầy đủ, bởi báo cáo bán niên của các ngân hàng phần lớn chưa được soát xét, đồng thời không công bố con số doanh thu cụ thể từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Năm 2021, có tới 9 ngân hàng thu hơn 1.000 tỷ đồng từ kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể như sau:
Những khoản thu khổng lồ mang lại lợi ích cho cả hai bên ngân hàng và công ty bảo hiểm là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng không dễ từ bỏ mảng kinh doanh béo bở này. Việc Ngân hàng Nhà nước cấm hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm - do vậy sẽ tương đối khó khăn.
Sức ép lợi nhuận
Dù kinh doanh bảo hiểm mang lại khoản doanh thu lớn, hoạt động cốt lõi của một ngân hàng thương mại vẫn là huy động tiền và cho vay khách hàng.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy nửa đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã đạt 9,35%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm đang là 14%, chưa có tín hiệu “nới room” tín dụng. Như vậy, dư địa tăng trưởng tín dụng từ giờ đến cuối năm của các ngân hàng không còn nhiều.
Các ngân hàng một mặt đang phải tăng lãi suất huy động vốn để thu hút dòng tiền gửi vào, một mặt phải cân bằng các chỉ tiêu tài chính để đảm bảo an toàn vốn, là một trong những căn cứ quan trọng để được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng trong nửa cuối năm. Việc tăng lãi suất huy động khiến các ngân hàng đứng trước áp lực tăng chi phí, do đó lợi nhuận bị thu hẹp.
Tìm nguồn thu từ các hoạt động ngoài lãi đang là con đường mà các ngân hàng buộc phải theo đuổi. Kênh kinh doanh bảo hiểm là một trong những phương thức đó, với ưu thế tận dụng từ chuỗi các chi nhánh ngân hàng dày đặc, cùng hàng triệu khách hàng sẵn có.
Vai trò của việc kinh doanh bảo hiểm đối với các ngân hàng, vì thế, ngày càng trở nên quan trọng.