Theo CNBC, đây là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử 116 năm thành lập của ngân hàng trung ương này, đồng thời nó cũng tương đương với khoảng 18% GDP dự kiến của Thụy Sĩ trong năm 2022. Được biết, khoản lỗ kỷ lục trước đó là 23 tỷ franc vào năm 2015 nhưng cũng chỉ bằng 1/5 khoản lỗ dự tính năm nay.
Do đó, ngân hàng trung ương này năm nay sẽ không thể thực hiện các khoản thanh toán thông thường cho chính phủ Thụy Sĩ và các thành viên chính phủ, đồng thời các khoản cổ tức của cổ đông cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trước đó, vào năm 2021, ngân hàng này đã chi trả toàn bộ các khoản thanh toán cho chính phủ Thụy Sĩ khi báo lãi 26 tỷ franc.
Trong số các khoản lỗ, ngân hàng đã mất tới 131 tỷ franc đối với các vị thế ngoại tệ và 1 tỷ franc đối với các vị thế nội tệ khi đồng franc tăng giá. Trước đó, đồng tiền của Thụy Sĩ được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế châu Âu biến động mạnh.
Kể từ tháng 6/2022, đồng franc Thụy Sĩ đã giao dịch ở mức giá 1 đổi 1,05 euro - mức cao nhất kể từ năm 2015. Đây là một bất lợi đối với nền kinh tế nặng về xuất khẩu như Thụy Sĩ, mặc dù các chuyên gia tin rằng các doanh nghiệp nước này vẫn có khả năng cạnh tranh bất chấp đồng franc tăng hay lạm phát cao.
Vào tháng 12 vừa qua, để đối phó với mức lạm phát 3% của nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) đã phải tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm 2022, lên mức 1%. Điều này cũng góp phần làm cho đồng nội tệ nước này tăng giá hơn nữa.
Ngoài ra, SNB cũng bị ảnh hưởng nhiều do những thua lỗ trong danh mục đầu tư trái phiếu và cổ phiếu dưới bối cảnh thị trường suy thoái. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng lãi được hơn 400 triệu franc thông qua việc nắm giữ vàng.
Nhận xét về điều này, ông Karsten Junius - nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Thụy Sĩ J.Safra Sarasin - cho rằng các khoản lỗ của ngân hàng trung ương có lẽ sẽ không tạo ra thay đổi gì trong những chính sách tiền tệ hiện tại. Và lãi suất toàn nền kinh tế dự kiến tăng thêm 100 điểm cơ bản nữa lên mức 2% trong năm 2023.
"Mặc dù SNB cũng cần một thời gian để xây dựng lại một quỹ dự phòng theo định giá đầy đủ, họ sẽ mất ít thời gian hơn so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)", ông Junius nói. Đồng thời, mức lạm phát ở Thụy Sĩ hiện cũng thấp hơn nhiều so với mức 10% của châu Âu.
Ngoài ra, mặc dù cả hai ngân hàng trung ương này đều có lợi nhuận về mặt cấu trúc nếu họ định giá lại các khoản nợ của mình, SNB vẫn luôn có lợi thế hơn vì có thể đặt ra mức lãi suất cao trong khi ECB đang bị mắc kẹt với danh mục trái phiếu có lãi suất thấp.