Sắp có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở giá rẻ
Sáng 17/2, Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" diễn ra sôi nổi với nhiều phát ngôn ấn tượng, đặc biệt xoay quanh vấn đề giải pháp tín dụng tháo gỡ cho các doanh nghiệp bất động sản.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay đã đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng theo phương thức tái cấp vốn cho các NH thương mại để cho vay đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Về đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường BĐS. Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng… và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác.
NHNN đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
NHNN sẽ giao đơn vị theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình này. "Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác nếu các ngân hàng khác tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn", bà Nguyễn Thị Hồng nói.
Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp.
Về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, NHNN nâng cấp công cụ hút thanh khoản
NHNN tiếp tục xu hướng hút ròng thanh khoản trong tuần qua. Tính chung trên cả hai kênh tín phiếu và OMO, Nhà điều hành đã rút khỏi hệ thống ngân hàng 30.178 tỷ đồng. Trước đó, cơ quan này cũng đã rút về gần 142.413 tỷ đồng trong tuần 6/2 – 10/2.
Đáng chú ý, dù giảm cường độ hút tiền so với tuần trước nhưng NHNN đã sử dụng thêm tín phiếu có kỳ hạn lên tới 91 ngày (tương đương 3 tháng), với quy mô gần 20.000 tỷ đồng bên cạnh 87.000 tỷ đồng tín phiếu 7 ngày. Với kỳ hạn 3 tháng, nhanh nhất phải tới trung tuần tháng 5, 20.000 tỷ đồng bị rút về kể trên mới có thể đáo hạn và quay lại hệ thống ngân hàng.
Việc phát hành thêm tín phiếu 91 ngày cho thấy định hướng “nhốt” tiền lâu hơn của cơ quan quản lý tiền tệ.
Những động thái mang tính thắt chặt của NHNN diễn ra trong bối cảnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm trong 2 tuần gần đây.
Số liệu được NHNN công bố cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 – 95% doanh số giao dịch) trong phiên 15/2 đã giảm về còn 3,64%/năm – mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022. So với trung tuần tháng 1, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm 2,8 điểm %. Lãi suất này chỉ bắt đầu tăng trở lại, lên 4,71% trong phiên 16/2 sau khi NHNN triển khai thêm công cụ tín phiếu 91 ngày
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay, áp dụng cả bất động sản
Không chỉ trên thị trường liên ngân hàng, những diễn biến mới đây trên thị trường 1 (nơi diễn ra các giao dịch giữa các ngân hàng với doanh nghiệp và người dân) cũng cho thấy xu hướng hạ nhiệt của cả lãi suất huy động và cho vay.
Theo đó, lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng tư nhân lớn đã giảm 0,5-1%/năm so với trước Tết. Chẳng hạn tại Techcombank, lãi suất tối đa hiện nay chỉ còn 9%/năm thay vì 9,5%/năm. Lãi suất cao nhất của SCB cũng còn 9,5%/năm, từ mức gần 10% trước đó.
Cùng với xu hướng hạ nhiệt của lãi suất huy động, một số ngân hàng đã công bố các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho vay dành cho những nhóm khách hàng nhất định.
Đáng chú ý, Agribank cho biết những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/01/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid 19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được Agribank xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất.
Trong đó, mức điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/01/2023 đến hết ngày 31/12/2024.
Giá USD ngân hàng tăng hơn 1% trong tuần
Với nhịp giảm trong gần 2 tuần qua, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng đã thu hẹp nhanh chóng, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn. Điểm hoán đổi lãi suất mỏng đi đã gây ảnh hưởng lên tỷ giá USD/VND.
Tại phiên cuối tuần qua (17/2), tỷ giá USD trong nước bất ngờ tăng tới 120 - 150 đồng, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây và trở lại vùng giá cách đây 2 tháng.
Kết tuần, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.610 - 23.980 đồng/USD, tăng 110 đồng chiều mua và 140 đồng chiều bán so với phiên trước. Tương tự, BIDV cũng điều chỉnh tỷ giá lên 23.675-23.975 đồng/USD, cao hơn hôm 16/2 khoảng 105 đồng.
Thậm chí, giá bán USD theo hình thức giao dịch tiền mặt tại một số ngân hàng thương mại còn vượt mốc 24.000 đồng.
Như vậy, trong tuần qua, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 250 đồng, tương đương tăng hơn 1%.
Trên thị trường tự do, giá USD hiện phổ biến quanh 23.650-23.700 đồng/USD, tăng khoảng 70 đồng so với cuối tuần trước.
Tranh cãi về room ngoại tại Sacombank
Ngày 14/2/2023, Sacombank gửi văn bản lên VSD, Ủy ban chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đề nghị xem xét lại tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của nhà đầu tư nước ngoài. Sacombank khẳng định room ngoại tại nhà băng này chỉ là 23,63468%, thay vì mức 30% như VSD thông báo.
Sau đó, ngày 16/2, VSD đã có công văn trả lời Sacombank về vấn đề này. Cụ thể, VSD khẳng định quản lý tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐTNN đối với cổ phiếu STB là 30% vốn điều lệ hiện tại. Đơn vị này cũng khẳng định từ sau các công văn năm 2014, Sacombank chưa gửi bất kỳ đề nghị thay đổi tỷ lệ sở hữu 30% của nhà đầu tư nước ngoài.
Sau đó, ngày 16/2, VSD đã có công văn trả lời Sacombank về vấn đề này. Cụ thể, VSD khẳng định quản lý tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐTNN đối với cổ phiếu STB là 30% vốn điều lệ hiện tại. Đơn vị này cũng khẳng định từ sau các công văn năm 2014, Sacombank chưa gửi bất kỳ đề nghị thay đổi tỷ lệ sở hữu 30% của nhà đầu tư nước ngoài.
Đến ngày 17/2, Sacombank tiếp tục có văn bản khẳng định từ 2016 đến nay, tính cả thời điểm Sacombank đã hoàn tất niêm yết bổ sung toàn bộ 400 triệu cổ phiếu phát hành thêm sau khi sáp nhập Southern Bank, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với STB do VSD công bố liên tục trong nhiều năm là 23,63468%.
Theo Sacombank, việc VSD giữ nguyên tỷ lệ cũ (23,6%) trong thời gian dài và đột ngột thay đổi tỷ lệ mới mà không thông báo chính thức đến công chúng và Sacombank, đã gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chiến lược phát triển của nhà băng.
Cổ phiếu ngân hàng phân hóa
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua (13-17/2) diễn biến phân hoá với 15/27 mã tăng giá, 2 mã không thay đổi và 10 mã giảm. Trong đó, các mã giảm mạnh nhất là KLB (-5,2%), OCB (-4,7%), VAB (-3,8%), BAB (-2,9%),…
Ngược lại, EIB của Eximbank tăng mạnh nhất trong các cổ phiếu ngân hàng tuần qua với mức +7,9%. Các cổ phiếu tăng mạnh khác là BID (6,6%), VBB (4%), LPB (3,2%), STB (3,2%), TCB (3,2%), ACB (2,5%),…
Thanh khoản khớp lệnh toàn ngành tuần qua đạt hơn 8.500 tỷ đồng, tức trung bình hơn 1.700 tỷ đồng/phiên. Trong đó, các mã dẫn đầu giá trị giao dịch là STB (2.236 tỷ), VPB (1.376 tỷ), LPB (641 tỷ), MBB (587 tỷ), TPB (519 tỷ).