Nhiều ngân hàng nâng lãi suất huy động 6 tháng lên vùng 9 - 10%/năm
Cuộc đua lãi suất huy động tiếp tục nóng, đặc biệt là các kỳ hạn dưới 1 năm. Theo đó, nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 6 tháng lên vùng 9 – 10%/năm, thậm chí trên 10%/năm.
Từ ngày 28/11, SCB áp dụng lãi suất huy động dành cho kỳ hạn 6 tháng lên tới 9,9%/năm, dành cho các khoản tiền gửi online, nhận lãi cuối kỳ.
Tại Saigonbank, khách hàng cá nhân cũng được hưởng lãi suất 9,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng khi gửi online. Ngân hàng số Cake by VPBank huy động tiền gửi 6 tháng với lãi suất ở mức 9,5%/năm
Cũng với hình thức gửi tiền trực tuyến, GPBank đang áp dụng mức lãi suất 9,3% và MSB là 9,2%/năm cho kỳ hạn nửa năm, lĩnh lãi cuối kỳ. Trong khi Kienlongbank, PGBank, VietBank và BaoVietBank huy động lãi suất tối đa là 9,1% cho kỳ hạn này.
Đáng chú ý, DongABank đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng – 8 tháng lên 9,35%/năm. Kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 9,75%/năm, kỳ hạn 13 tháng trở lên là 9,85%/năm.
Ngoài ra, ngân hàng cho biết có chính sách cộng lãi suất đối với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên đối với kỳ hạn từ 6 tháng. Cụ thể, số tiền từ 10 triệu – 100 triệu đồng được cộng thêm 0,7%/năm, từ 100-500 triệu cộng thêm 0,75%/năm, từ 500 triệu – 1 tỷ đồng được cộng thêm 0,8%/năm và từ 1 tỷ trở lên được cộng 0,85%/năm.
Như vậy, với kỳ hạn 6 tháng tại DongABank, lãi suất tiền gửi có thể lên tới 10,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 13 tháng trở lên có thể đạt 10,7%/năm (số tiền từ 1 tỷ đồng). Thậm chí, ở kỳ hạn 13 tháng và gửi số tiền từ 500 tỷ đồng, lãi suất sẽ là 10,95%/năm.
Giá USD trong nước lao dốc mạnh
Giá USD tại các ngân hàng lao dốc mạnh trong tuần qua (28/11-2/12), giảm khoảng 600 đồng, tương đương giảm 2,5% chỉ trong một tuần.
Kết phiên giao dịch 2/12, tỷ giá USD tại ngân hàng Vietcombank được niêm yết ở mức 23.930-24.240 đồng/USD. Tương tự, giá bán USD tại các ngân hàng như BIDV, ACB, Techcombank, Sacombank,…cũng đã giảm xuống còn 24.230-24.240 đồng/USD.
Giá bán USD tại các ngân hàng theo đó cũng rời xa mức trần quy định sau khi liên tục được niêm yết ở mức tối đa trong suốt tháng 11.
Trên thị trường tự do, giá USD đã giảm khoảng 350 đồng so với cuối tuần trước, và giảm tới hơn 800 đồng so với mức đỉnh 25.450 đồng/USD hồi cuối tháng 10.
Kế hoạch sắp xếp lại Big4 ngân hàng giai đoạn 2022 – 2025
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 theo các hình thức: duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (sau đây gọi chung là thoái vốn) giai đoạn 2022 – 2025.
Trong đó, Agribank thuộc danh sách các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, tỷ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là từ 65% vốn trở lên.
Đối với VietinBank, Nhà nước tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 64,46%.
Tại BIDV và Vietcombank, Chính phủ sẽ thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030" nêu tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ kế hoạch sắp xếp và tỷ lệ vốn dự kiến Nhà nước nắm giữ tại 02 ngân hàng. Hiện, Nhà nước đang nắm giữ 80,9% vốn tại BIDV và 74,8% vốn tại Vietcombank.
Agribank chính thức có Tổng Giám đốc mới
Sáng ngày 2/12, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao các Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bổ nhiệm ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng giám đốc phụ trách ban điều hành Agribank giữ chức thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank.
Đồng thời, Phó Thống đốc cũng trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Phương – Phó Tổng giám đốc Agribank, ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng giám đốc Agribank giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Agribank; điều động, bổ nhiệm bà Từ Thị Kim Thanh - Phó Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước giữ chức thành viên Hội đồng thành viên Agribank; bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Nợ và khai thác tài sản Agribank giữ chức thành viên Ban Kiểm soát Agribank.
Ngân hàng đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh 2023
Eximbank vừa thông báo Nghị quyết HĐQT về kế hoạch kinh doanh 2023 để trình Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Theo đó, Hội đồng Quản trị Eximbank đã chấp thuận đề xuất của ban điều hành ngân hàng về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 42,9% so với mức dự kiến đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ.
Ban điều hành Eximbank cũng ước tính tổng tài sản đến cuối năm 2023 ở mức khoảng 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ, tăng 14%. Với số dư nợ tín dụng kể trên, ban điều hành Eximbank dự kiến kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6%, thấp hơn so với mức 1,7% vào cuối năm nay. Huy động vốn ước tính tăng 11,8% lên khoảng 165.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh
Cổ phiếu ngân hàng vừa trải qua tuần giao dịch tích cực nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Từ ngày 28/11-2/12, trong 27 mã ngân hàng thì có tới 26 mã tăng giá. Chỉ duy nhất SGB giảm giá, tuy nhiên mức giảm nhẹ -1,5%.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm ngành này là TCB, tăng tới 25% trong tuần qua với 5 phiên tăng liên tục. Cùng với TCB, một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng đạt mức tăng giá 2 con số trong tuần qua như SHB (20,4%), ABB (+17,5%), VIB (16,9%), VCB (+16,3%), MBB (+16%), LPB (14,1%),...
Đà tăng giá của nhóm cổ phiếu "vua" đi cùng với sự cải thiện rõ rệt về thanh khoản. Cụ thể, thanh khoản khớp lệnh toàn ngành tuần qua đạt gần 16.500 tỷ đồng, tương đương gần 3.300 tỷ đồng/phiên, tăng 77% so với tuần trước.