Việt Nam không còn nằm trong danh sách giám sát về thao túng tiền tệ
Ngày 10/11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” (sau đây gọi tắt là Báo cáo). Theo Báo cáo, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ.
NHNN cho biết, liên tiếp trong 2 kỳ báo cáo, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Hoa Kỳ - thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt mức 105 tỷ USD, vượt ngưỡng 15 tỷ USD, do đó đã được Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra khỏi Danh sách giám sát.
Từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tiến hành tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của phía Hoa Kỳ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá. Tại kỳ Báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục ghi nhận những bước tiến của Việt Nam. Đồng thời, tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đến Việt Nam ngày 03/10/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD
Trong phiên giao dịch cuối tuần (11/11), NHNN đã giảm tỷ giá USD bán giao ngay từ 24.870 đồng/USD xuống mức 24.860 đồng/USD từ ngày 11/11/2022. Đây là lần đầu tiên NHNN giảm tỷ giá này trong năm nay.
Trước đó, kể từ đầu năm 2022, NHNN đã có tới 6 lần thực hiện nâng giá bán USD, từ 23.050 lên 24.870 đồng/USD, tức tăng tổng cộng 1.720 đồng (tăng 7,4%). Lần gần nhất là 24/10, tỷ giá này tăng mạnh 490 đồng lên 24.870 đồng/USD.
Bên cạnh hạ giá bán USD, NHNN cũng liên tục giảm tỷ giá trung tâm thời gian gần đây, từ mức đỉnh 23.700 đồng/USD (ngày 24/10) xuống còn 23.683 đồng/USD (ngày 11/11), tức giảm 17 đồng.
Tại các ngân hàng thương mại, giá bán USD cũng được điều chỉnh giảm trong hơn 1 tuần trở lại đây, tuy nhiên vẫn luôn neo ở mức kịch trần cho phép.
Lãi suất huy động niêm yết lên tới 9,75%/năm
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mới thông báo áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới từ ngày 11/11 với mức lãi suất huy động tăng 0,45 – 0,65%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Cụ thể, tại sản phẩm có lãi suất cao nhất là Tiền gửi online và lĩnh lãi cuối kỳ, các kỳ hạn dưới 6 tháng đều được áp dụng mức lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra là 6%/năm.
Trong khi đó, kỳ hạn 6 tháng được hưởng mức lãi suất cao hơn hẳn là 9,35%/năm; lãi suất các kỳ hạn từ 7 đến 12 tháng được huy động với mức lãi suất trong khoảng 9,4% – 9,65%/năm. Đáng chú ý, các kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng đang được nhà băng này chào lãi suất lên tới 9,75%/năm - mức lãi suất niêm yết cao nhất hệ thống.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng triển khai chương trình tặng Coupon lãi suất 0,8%/năm cho khách hàng cá nhân tham gia giao dịch tiền gửi tại quầy trong thời gian từ ngày 02/11/2022 đến hết ngày 31/12/2022 hoặc đến khi SCB có thông báo mới. Coupon được áp dụng cho khách hàng gửi mới các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn tại quầy bằng VND với kỳ hạn gửi từ 06 tháng đến 11 tháng.
Trước SCB, Bac A Bank cũng thông báo điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm có hiệu lực từ ngày 9/11 với lãi suất tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tăng 0,15-0,25%. Tương tự, BaoVietBank cũng tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1 - 0,75%/năm tại nhiều kỳ hạn.
Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất không kỳ hạn chạm trần
Trong biểu lãi suất dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ ngày 8/11 mới đây, lãi suất tiền gửi thanh toán của ngân hàng OCB đã tăng khá mạnh so với khảo sát hồi cuối tháng 10. Theo đó, mức tối đa 1%/năm áp dụng cho gói tài khoản OCB – Invest & OCB – Invest Pro.
Sacombank cũng vừa thay đổi biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân trong tuần qua. Hiện lãi suất tài khoản thanh toán với số dư 20 triệu đồng trở xuống là 0,3%/năm, trên 20 triệu đến 100 triệu đồng là 0,5%/năm và trên 100 triệu đồng là 1%/năm.
Trước đó, Techcombank và VPBank cũng đã tăng mạnh lãi suất không kỳ hạn lên mức 1%/năm. Trong khi BIDV nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm dành cho tiểu thương.
Ngoài những ngân hàng kể trên, rất nhiều nhà băng khác cũng đã niêm yết lãi suất không kỳ hạn ở mức kịch trần 1%/năm như Kienlongbank, BacABank, NamABank, VietABank,…
22/27 mã cổ phiếu ngân hàng giảm trong tuần
Cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục bị bán mạnh trong tuần giao dịch vừa qua với 22/27 mã giảm giá. Trong đó, EIB giảm mạnh nhất khi mất 26% chỉ trong một tuần. Tuy nhiên, vẫn có 5 cổ phiếu có được sắc xanh là BID (8,1%), VCB (5,2%), NVB (3,7%), ACB (3,2%) và SGB (0,8%).
Trong tuần qua, STB có thanh khoản cao nhất trong nhóm ngân hàng, đạt gần 2.500 tỷ đồng. Tiếp đến là VPB (hơn 1.700 tỷ đồng), CTG (1.000 tỷ đồng), MBB (1.000 tỷ đồng),…