NHNN bơm gần 66.000 tỷ đồng vào thị trường qua kênh OMO
Tuần giao dịch vừa qua chứng kiến hoạt động bơm ròng thanh khoản mạnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên thị trường liên ngân hàng.
Cụ thể, cơ quan này đã cho hệ thống vay mới tổng cộng gần 65.795 tỷ đồng qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với lãi suất 5%. Trong đó, ngoài kỳ hạn 28 ngày, NHNN cũng triển khai thêm OMO 7 ngày để hỗ trợ trợ thanh khoản hệ thống. Đồng thời, Nhà điều hành cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản.
Trước đó, NHNN đã bơm ròng gần 4.400 tỷ qua kênh OMO trong 2 phiên giao dịch cuối tuần trước. Tính chung trong 7 phiên giao dịch vừa qua, Nhà điều hành đã cung ứng cho hệ thống ngân hàng gần 70.200 tỷ đồng.
Các ngân hàng đẩy mạnh vay vốn OMO tại Ngân hàng Nhà nước khi lãi suất liên ngân hàng đã tăng gấp 5 so với mức ghi nhận cuối tháng 3.
Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động
Trong tuần qua, Techcombank, MSB, OCB,… tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động với mức giảm 0,2 – 0,4 điểm % tại một số kỳ hạn gửi trên 6 tháng.
Đây là đợt giảm lãi suất thứ hai kể từ đầu tháng 4 của các ngân hàng này. Trước đó, tất cả ngân hàng tư nhân đều đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng từ ngày 3/4.
So với mức đỉnh điểm ghi nhận hồi giữa tháng 1, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 – 1,5% ở tất cả kỳ hạn.
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước vào sáng ngày 13/4 cho thấy, tất cả ngân hàng đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 9%/năm.
Hiện mức lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn này là 8,8%/năm được 4 ngân hàng áp dụng là ABBank, OCB, HDBank và Kienlongbank.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 2/2023 của NHNN cho biết, các ngân hàng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm 0,08 - 0,1 điểm % trong Quý II/2023 và giảm 0,19 – 0,34% trong cả năm 2023. Kết quả này trái ngược với dự báo tăng nhẹ mặt bằng lãi suất trong quý I/2023 và cả năm 2023 của kỳ điều tra trước.
Loạt ngân hàng thay đổi nhân sự cấp cao
Ngày 13/4 vừa qua, Ngân hàng Quân Đội (MB) đã công bố quyết nghị của hội đồng quản trị về việc miễn nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng quản trị MB đối với ông Lê Hữu Đức (sinh năm 1955), theo nguyện vọng cá nhân.
Đồng thời, ông Lưu Trung Thái (sinh năm 1975) được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024. Trước đó, ông Thái là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc.
Bên cạnh đó, ông Phạm Như Ánh (sinh năm 1980), sẽ phụ trách ban điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của tổng giám đốc.
Tại SHB, ngày 12/04, ông Đỗ Quang Vinh - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc và ông Đỗ Đức Hải - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc được bầu đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027.
Đại hội cổ đông ACB ngày 13/4 đã bầu thêm 2 Thành viên Hội đồng Quản trị mới là ông Đỗ Minh Toàn và ông Nguyễn Văn Hòa, nâng số lượng Thành viên HĐQT từ 7 lên 9 người. Cùng ngày, ngân hàng này cũng thay đổi Kế toán trưởng khi bà Dương Thị Nguyệt thay ông Nguyễn Văn Hoà đảm nhiệm cương vị này kể từ ngày 13/4/2023.
Theo tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, HDBank cũng sẽ miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Tâm – Thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân. Để kiện toàn, HDBank trình ĐHĐCĐ thường niên 2023 bầu bổ sung ông Phạm Quốc Thanh – Tổng Giám đốc vào HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027.
Chủ tịch SHB chia sẻ về kế hoạch tìm kiếm đối tác nước ngoài
Chiều ngày 11/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023.
Tại phần thảo luận của cổ đông với lãnh đạo ngân hàng, các cổ đông đã đặt nhiều câu hỏi liên quan tới hoạt động kinh doanh, tăng vốn, đầu tư và bảo lãnh trái phiếu, giá cổ phiếu…
“SHB là cô gái đẹp có nhiều chàng trai từ các quốc gia khác muốn kết hôn. Nhưng SHB ưu tiên các chàng trai thủy chung, nên mong muốn đối tác tham gia cùng quản trị điều hành và gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, qua gặp mặt các chàng rể thì các nhà đầu từ này chỉ có chiến lược đầu tư tài chính ngắn và trung hạn.", ông Hiển chia sẻ.
“Chung thủy 10 – 20 năm thì không có, nhưng chúng tôi đã tiếp xúc sâu hơn với các tập đoàn tài chính nước ngoài, chấp nhận họ chỉ đầu tư 3 – 5 năm rồi rút vốn” – ông nói với cổ đông, và cho biết thêm trong năm nay hoặc đầu năm sau SHB sẽ có một “chàng rể”. Và tất nhiên khi đó sẽ xin ý kiến cổ đông.
Cũng tại cuộc họp, Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà cho biết, trong quý I, lợi nhuận trước thuế ngân hàng ước tính đạt 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ 2022. Huy động vốn tăng trưởng trên 8%.
Bà Hà cũng chia sẻ thêm, SHB được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng đầu năm là 7,9% và đến giờ tăng trưởng tín dụng đạt gần 6%.
ACB lãi 5.120 tỷ trong quý I
Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2023 diễn ra vào ngày 13/4, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám Đốc ACB cho biết, lợi nhuận hợp nhất quý I đạt 5.120 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ. Huy động tăng trưởng 2,1% so với cuối năm trước. Tỷ lệ LDR ở mức 78%; tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 13,1%; Riêng tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ 0,6%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Lãnh đạo ACB cho biết, ngân hàng đã hoàn thành 26% trong quý I và tự tin hoàn thành kế hoạch cả năm. ACB cũng tự tin với kế hoạch tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động ở mức phù hợp.
Tại đại hội, cổ đông cũng chất vấn lãnh đạo ACB về việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, ông Từ Tiến Phát cho biết ACB không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo tài chính kiểm toán cũng đã thể hiện vấn đề này. Trái phiếu ACB đầu tư có tới 85% là TPCP và phần còn lại là trái phiếu của các TCTD lớn. Trong năm 2023 ACB cũng không có định hướng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Eximbank lãi 900 tỷ trong quý I
Sáng ngày 14/4, Ngân hàng Eximbank tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 và thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu lãi trước thuế 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 34%.
Trả lời cổ đông tại đại hội, Tổng giám đốc Eximbank ông Trần Tấn Lộc cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Đại hội Eximbank cũng thông qua kế hoạch phát hành gần 265,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 18% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận tối đa 18 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành sẽ tăng từ 14.814 tỷ đồng lên 17.470 tỷ đồng.