Loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động
Theo biểu lãi suất niêm yết mới nhất của VietinBank, lãi suất huy động tại các kỳ hạn 1 - 5 tháng đồng loạt giảm 0,3 điểm %.
Trước đó, Vietcombank cũng giảm lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 5,4% xuống còn 5,1%/năm từ ngày 12/5. Đồng thời, giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm.
Từ ngày 10/5, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn trên 12 tháng tại Agribank đã đồng loạt giảm 0,2 điểm % so với trước đó, xuống còn 7%/năm. Đồng thời, Agribank cũng giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1 – 2 tháng chỉ còn 4,9% và 3 – 5 tháng là 5,1%.
Bên nhóm tư nhân, “ông lớn” Techcombank cũng giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 10/5. Hiện mức lãi suất cao nhất đang được Techcombank áp dụng là 7,6%, dành cho khách VIP1 gửi số tiền từ 3 tỷ trở lên.
Tại VPBank, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn trên 12 tháng đã đồng loạt giảm 0,2 điểm %. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 – 13 chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn 15 – 36 tháng giảm về 7,2%/năm
TPBank cũng giảm 0,1 - 0,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất cao nhất đang được TPBank áp dụng là 7,8%, dành cho khách gửi tiền online.
Trước VPBank và TPBank, nhiều ngân hàng cũng đã giảm thêm lãi suất huy động trong những ngày gần đây.
Từ ngày 10/5, OCB cũng giảm 0,4 - 1,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. HDBank cũng giảm thêm 0,3 điểm % tại các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng từ ngày 9/5. Hiện mức lãi suất cao nhất được HDBank áp dụng là 8,7% dành cho kỳ hạn 13 tháng.
MSB cũng giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6 thàng trở lên. Trong khi mức điều chỉnh tại VietBank là 0,1 – 0,2 điểm %.
NHNN sẽ cân nhắc giảm lãi suất điều hành
Phát biểu tại Hội nghị Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ diễn ra vào chiều 11/5 tại TPHCM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN phải theo dõi sát sao, cân nhắc phối hợp các chính sách để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng hiện tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, kinh doanh khó khăn do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, khó khăn ở đâu, thì tháo gỡ vướng mắc ở đó. Tăng trưởng toàn nền kinh tế chậm lại trong quý 1, nguyên nhân quan trọng đó là xuất khẩu giảm 20%. Tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu rất lớn, nhưng việc cải thiện thị trường xuất khẩu cần có thời gian.
Về những giải pháp của ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là giải pháp mang tính đặc thù. Đó là, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN không chỉ là giải quyết một vấn đề, điều hành đạt nhiều mục tiêu đồng thời. Vừa phải tăng trưởng tín dụng, ổn định tỷ giá, giảm lãi suất… do đó NHNN phải theo dõi sát sao, cân nhắc phối hợp các chính sách để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ. NHNN đang tiếp tục theo dõi, nếu được sẽ giảm lãi suất, việc điều hành chính sách tiền tệ phải đánh đổi giữa các mục tiêu, để duy trì lạm phát thấp, ổn định tỷ giá. Đồng thời, các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp đặc thù, có những hoạt động rủi ro lan truyền nên phải hoạt động theo quy định của NHNN nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cho vay nhưng phải đảm bảo khi người dân rút tiền phải đảm bảo. Các ngân hàng cũng phải cấp tín dụng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống.
Qua ý kiến phản ánh của địa phương, Thống đốc cho biết, thời gian tới NHNN sẽ cân nhắc điều kiện nếu được thì sẽ giảm lãi suất điều hành, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất.
Một ngân hàng chuẩn bị trả cổ tức bằng tiền mặt
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank – HOSE: HDB) mới đây đã công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc chia trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.
Theo đó, ngày chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt dự kiến là ngày 30/5/2023. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ được nhận 1.000 đồng/cổ phiếu. Ngày thanh toán cổ tức cho cổ đông dự kiến là 12/06/2023.
HDBank là 1 trong 6 ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.
Trước đó, TPBank đã chi khoảng 3.955 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu.
Ngày 7/4, VIB cũng đã chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2022 còn lại với tỷ lệ 5% bằng tiền, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng. Trước đó, VIB đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 10% vào ngày 3/3, tương ứng cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng. Như vậy, tổng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong 2 đợt là 15%, tương đương 1.500 đồng/cp.
Ngoài TPBank, VIB và HDBank đã chốt ngày, 3 ngân hàng khác cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay là ACB, VPBank và MB.
25 mã ngân hàng tăng giá tuần qua
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá tích cực trong tuần qua với 25/27 mã tăng giá.
Trong đó, cổ phiếu STB của Sacombank tăng mạnh nhất ngành với mức tăng 7,41%. Các cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là SHB (5,9%), OCB (4,8%), NAB (5,7%). Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn cũng tăng giá tuần qua như VCB (3,3%), BID (3,6%), TCB (2,1%), CTG (2%),…
Ở chiều ngược lại, có 2 cổ phiếu giảm giá là PGB của PGBank (-10,7%) và SSB của SeABank (-1,4%).
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu "vua" sụt giảm so với giai đoạn trước nghỉ lễ 30/4 - 1/5 khi chỉ có 544 triệu đơn vị được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị giao dịch đạt 10.738 tỷ đồng.
Trong đó, SHB tiếp tục dẫn đầu về khối lượng giao dịch với gần 95 triệu cp. STB đứng sau với 64 triệu cp, song lại đứng đầu toàn ngành về giá trị giao dịch với 1.677 tỷ đồng.