Theo đó, tại cuộc họp do Cục Viễn thông và Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) chủ trì, đã có nhiều ý kiến đề xuất cách thu phí SMS Banking mới, chẳng hạn như tính theo sản lượng, thay đổi phương án tính, công thức tính hay cấu trúc giá tin nhắn SMS. Sau cùng, các doanh nghiệp đã thống nhất được phương án thu phí chung là 11.000 đồng/tháng.
Ông Trần Duy Hải - Cục phó Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết: "Cuối cùng thì các doanh nghiệp viễn thông và các ngân hàng thương mại cũng thống nhất được phương án 11.000 đồng đã bao gồm thuế VAT, không giới hạn số tin nhắn với sự đồng thuận của các ngân hàng. Mức phí này sẽ giúp thúc đẩy người dân không ngần ngại thanh toán không dùng tiền mặt khi mà họ bị giới hạn và trải nghiệm thì thuận lợi".
Theo thống kê từ các ngân hàng, 70% lượng tin nhắn là thông báo biến động số dư, số còn lại là tin nhắn mã OTP. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã thay đổi cách thu phí SMS Banking khiến người dùng phải bỏ ra số tiền gấp 2, 3 thậm chí 7 lần mức thu trước đây. Điều này gây bức xúc cho khách hàng, đòi hỏi ngân hàng và nhà mạng phải tìm ra hướng thu phí phù hợp hơn.
Theo nhiều chuyên gia, động thái tăng phí SMS Banking trước đó của nhiều ngân hàng là để khuyến khích khách hàng chuyển sang nhận thông báo biến động số dư tài khoản qua ứng dụng banking và giúp ngân hàng cũng giảm bù lỗ chi phí từ SMS Banking khi nhiều lần kiến nghị nhưng nhà mạng không giảm cước tin nhắn.
Ước tính, một ngân hàng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15-20 triệu SMS, trong khi ngân hàng tầm trung trở lên là 50-80 triệu SMS mỗi tháng. Tạm tính theo giá kể trên, một ngân hàng quy mô nhỏ sẽ phải trả cho doanh nghiệp viễn thông 7,5- 9 tỷ đồng /tháng, trong khi số phải trả của ngân hàng tầm trung trở lên là 25- 40 tỷ đồng .
Theo thống kê của VNBA, với số lượng tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động lên tới cả trăm đơn vị, chi phí viễn thông cả hệ thống ngân hàng trả cho các nhà mạng lên tới vài nghìn tỷ/tháng.