Thị trường khởi sắc
Là chỉ dấu quan trọng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế nói chung và sức mua, kỳ vọng của người dân, mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ được chính quyền và nhà đầu tư theo dõi sát sao nhằm đưa ra các chính sách kinh tế hay quyết định đầu tư phù hợp.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.206 nghìn tỷ đồng 7 tháng năm 2022, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 0,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 11,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1,8%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng đều cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.
Doanh số bán lẻ tăng đồng loạt tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các các địa phương chịu nhiều thiệt hại vì Covid-19 trong năm vừa qua.
Một cửa hàng Thế Giới Di Động - doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam (Ảnh: Zingnews)
Có thể kể đến Khánh Hòa tăng 18,2%; Bình Dương tăng 18,1%; TP Hồ Chí Minh tăng 16,8%; Cần Thơ tăng 16,1%; Quảng Ninh tăng 15,0%; Hải Phòng tăng 11,8%; Hà Nội tăng 10,7%; Đà Nẵng tăng 9,7%.
Thay vì mua sắm online, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên những trải nghiệm toàn diện, đặc biệt là các trung tâm thương mại với đa dạng dịch vụ từ ăn uống, mua sắm đến vui chơi giải trí. Mật độ khách đến các trung tâm thương mại trong ba tháng trở lại đây thậm chí có phần đông đúc hơn giai đoạn trước dịch.
Vincom Retail, nhà cung cấp mặt bằng bán lẻ hàng đầu hiện nay cũng đã có một kỳ kinh doanh ấn tượng nhờ thị trường bán lẻ phục hồi. Trong riêng quý II/2022, Vincom Retail thu về hơn 1.800 tỷ đồng cho thuê mặt bằng trung tâm thương mại, tăng 33% so với cùng kỳ. Kết quả này góp phần mang lại mức lợi nhuận gần 960 tỷ đồng trước thuế trong riêng quý II/2022, gần gấp đôi cùng kỳ 2021.
Nhiều “ông lớn” của ngành bán lẻ doanh thu đạt mức kỷ lục
Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với hàng loạt chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng.
Doanh thu thuần của công ty đạt 18.210 tỷ đồng, tăng 56,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 48%, đạt 1.088 tỷ đồng. Công ty hoàn thành gần hai phần ba chỉ tiêu doanh thu và hơn 82% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ trong 6 tháng. Đây là kết quả kinh doanh bán niên cao nhất từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng bán lẻ vẫn chiếm hơn một nửa và tăng gần 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên vàng miếng mới là mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất với 65,6%.
Nhu cầu của khách hàng về kim loại quý này tăng lên trong bối cảnh áp lực lạm phát cao mang về cho PNJ khoảng 5.135 tỷ đồng, chiếm hơn 28% tổng doanh thu. Đây là mức doanh thu bán niên cao nhất từ kim loại tính theo quý kể từ lúc doanh nghiệp này công bố thông tin vào năm 2017.
Doanh thu vàng miếng bán niên của PNJ bắt đầu tăng đột biến từ năm 2021. Giai đoạn 2017-2019, con số này chỉ tăng khoảng vài phần trăm đến hơn 10% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm ngoái, doanh thu vàng miếng tăng gần 73%, mang về cho PNJ khoảng 3.095 tỷ đồng. Có thể thấy biến động về dịch bệnh và "cơn sốt" giá giúp mảng kinh doanh vàng nói chung được mùa khởi sắc.
“Ông lớn bán lẻ” Thế Giới Di Động (mã MWG), chủ sở hữu chuỗi bán lẻ Thế giới di động và Điện Máy Xanh trong 6 tháng có tổng doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ. Doanh số hai chuỗi quý II tăng 12% so với quý II năm trước và chỉ giảm 11% từ mức đỉnh ghi nhận vào quý IV/2021, trong bối cảnh các doanh nghiệp cùng ngành đã sụt giảm 30% - 40%.
Năm 2022, Thế Giới Di Động vẫn nhanh chóng mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ. Sau 5 tháng đầu năm, chuỗi Điện Máy Xanh Supermini mở thêm 317 cửa hàng, Topzone mở thêm 36 cửa hàng, chuỗi dược An khang tới 15/7 cũng mở thêm 322 cửa hàng. Khởi động từ cuối 2021, chuỗi AVAKids cũng đã đạt 50 cửa hàng.
Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld, mã DGW) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với doanh thu tăng 16,4% và lợi nhuận tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Mảng laptop ghi nhận doanh thu sụt giảm trong khi các mảng khác tăng từ 18% đến 48%.
Theo đó, Digiworld ghi nhận doanh thu thuần 4.910 tỷ đồng, tăng 16,4% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 137 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Digiworld công bố kế hoạch doanh thu quý 3 đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 70%; lãi sau thuế 200 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cho biết trong quý III là mùa tựu trường, cao điểm hàng năm của mặt hàng laptops & tablets (máy tính xách tay và máy tính bảng) nên kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trở lại ở tất cả các nhãn hàng.
Năm 2022, Digiworld đề ra kế hoạch gồm doanh thu thuần 26.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 22% so với thực hiện 2021. Trong đó, mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là mảng điện thoại di động, kế đến là máy tính xách tay, thiết bị văn phòng, tiêu dùng.
Đánh giá triển vọng của ngành bán lẻ trong nửa cuối năm 2022, Công ty chứng khoán VNDirect dự báo ngành bán lẻ sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng với 3 xu hướng chính. Đó là sự chuyển hướng sang bán lẻ hiện đại rõ ràng hơn sau đại dịch, giúp các chuỗi bách hóa hiện đại tăng trưởng mạnh hơn; các nhà bán lẻ lớn đang không ngừng mở rộng sang các thị trường bán lẻ như dược phẩm hoặc thị trường mẹ và bé. Cùng với đó là sự trở lại của các công ty kinh doanh bất động sản bán lẻ nhờ dịch vụ được hồi phục.