Giữa lúc thị trường đồ uống có cồn nói chung và sản phẩm bia nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, mới đây, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) đã cho ra mắt dòng bia 333 Pilsner, phiên bản mới của thương hiệu bia 333.
Sự kiện ra mắt được tổ chức trong một không gian hiện đại, trẻ trung ngay tại nhà máy bia đầu tiên của Sabeco ở quận 5 (TP.HCM), nhằm khẳng định sự "làm mới chính mình" để gần gũi hơn với thế hệ người tiêu dùng mới, theo lời chia sẻ của bà Patsy Lim, Phó tổng giám đốc phụ trách Marketing và Truyền thông của Sabeco.
Những động thái mới
Thực tế, đây là một trong những sản phẩm hiếm hoi ra mắt thị trường bia Việt Nam trong hơn 1 năm qua. Không chỉ Sabeco mà tại Heineken, kể từ chiến dịch giới thiệu dòng bia cao cấp mới Tiger Soju Infused Lager hồi tháng 4/2023 và thay đổi diện mạo Bia Việt vào tháng 9/2023, đến nay hãng chưa có động thái nào mới về mặt sản phẩm.
Trong khi đó, sản phẩm mới nhất của Carlsberg là dòng bia Tuborg Ice cao cấp cũng đã ra mắt từ tháng 5/2023.
Tuy vậy, thị trường bia trong nước đã bắt đầu có nhiều tín hiệu tích cực, theo sau sự xuất hiện của những nhân tố lãnh đạo mới với nhiều tham vọng mạnh mẽ.
Ông Lester Tan (trái) đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Sabeco từ tháng 10/2023, trong khi ông Wietse Mutters (phải) là Tổng giám đốc điều hành Heineken Việt Nam từ đầu tháng 8 năm nay. Ảnh: SAB, Heineken.
Với Sabeco, sự kiện ra mắt dòng bia mới đánh dấu động thái đầu tiên với thị trường của Tổng giám đốc Lester Tan sau 10 tháng đảm nhận vị trí này.
"Việc ra mắt 333 Pilsner tiếp tục củng cố vị thế của chúng tôi là nhà sản xuất bia hàng đầu tại Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Vị CEO nói với Tri Thức - Znews rằng sau giai đoạn làm quen và tìm hiểu thị trường Việt Nam, ông tự tin sẽ tạo ra nhiều biến chuyển trong thời gian tới.
Trong thông báo hồi tháng 10/2023, Sabeco từng bày tỏ tin tưởng ông Lester Tan với hơn 28 năm kinh nghiệm trong ngành bia và nước giải khát tại các thị trường châu Á sẽ dẫn dắt những chiến lược kinh doanh đột phá trong giai đoạn chuyển đổi thứ 2 của doanh nghiệp.
Trong khi đó, đối thủ lớn của Sabeco là Heineken cũng vừa công bố tân Tổng giám đốc thị trường Việt Nam.
Theo đó, ông Wietse Mutters được giao lãnh đạo Heineken Việt Nam từ đầu tháng 8, sau 4 năm giữ chức Tổng giám đốc điều hành Heineken Italy.
Ông Mutters tuyên bố dù có nhiều khó khăn phía trước nhưng Việt Nam vẫn sẽ là một thị trường đầy tiềm năng phát triển đối với Heineken.
Trong khi những tên tuổi lớn còn đang chuẩn bị nguồn lực bên trong để bứt phá sau những sự thay đổi này, thì Carlsberg vẫn đều đặn chi tiền cho các sự kiện và chiến dịch quảng bá sản phẩm.
Bức tranh kinh doanh khởi sắc
Thực tế, xu hướng phục hồi của ngành bia đã được phản ánh qua bức tranh kinh doanh những tháng gần đây của các doanh nghiệp.
Nhờ tiết giảm chi phí, Sabeco đã báo lãi hơn 1.319 tỷ đồng trong quý II, mức lợi nhuận quý cao nhất 2 năm qua. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Sabeco tăng nhẹ đạt 15.270 tỷ đồng. Lãi ròng cũng cải thiện lên 2.343 tỷ đồng. Đi cùng với đà tăng trưởng kết quả kinh doanh này là việc hãng đã mạnh tay chi hơn 1.000 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo và khuyến mãi.
Habeco cũng gây ấn tượng với quý kinh doanh có lợi nhuận cao nhất 1 năm qua, đạt 172 tỷ đồng trong quý II/2024. Cũng trong quý vừa qua, doanh thu thuần của hãng đạt 2.305 tỷ đồng, tăng gần 11% so cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu của Habeco tăng 11% lên hơn 3.600 tỷ đồng, tuy nhiên lãi sau thuế của chủ thương hiệu bia Hà Nội lại giảm 18% xuống 151 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí bán hàng tăng mạnh để phục vụ quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ.
Với Heineken, ông Dolf van den Brink, Tổng giám đốc Heineken toàn cầu đã tiết lộ về kết quả nửa đầu năm vững chắc trong báo cáo tài chính mới công bố, với doanh thu ròng tăng 6% và lợi nhuận hoạt động tăng gần 13%.
Báo cáo cho thấy thị trường bia Việt Nam đã ổn định trở lại trong quý II, dù tính chung nửa đầu năm vẫn giảm nhẹ.
Trong đó, lượng tiêu thụ các sản phẩm mang nhãn hiệu bia Heineken, kể cả Heineken 0.0 (bia không độ cồn) tại Việt Nam đã tăng trưởng hai chữ số trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, Heineken Silver đã ghi nhận quý tăng trưởng thứ 11 liên tiếp tại Việt Nam, hỗ trợ hãng duy trì thị phần ổn định trong phân khúc cao cấp.
Các thương hiệu Bia Việt và Bivina cũng tăng trưởng ở mức hai chữ số, duy chỉ có Tiger Crystal chịu ảnh hưởng bởi sức cầu yếu.
Kỳ vọng gì cho các tháng cuối năm?
Thực tế, xu hướng khởi sắc của ngành bia đến một phần từ hiệu ứng của các sự kiện thể thao lớn như Euro, Copa America và Olympic 2024. Nhưng cũng vì vậy, khi các sự kiện này qua đi, triển vọng cho các tháng còn lại vẫn bỏ ngỏ.
Hiện tại, bên cạnh tác động của Nghị định 100 về nồng độ cồn khi tham gia giao thông và chi phí đầu vào, ngành bia còn đang đối diện với nguy cơ bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đến 80% vào năm 2026. Đồng thời, mức thuế này sẽ tăng dần qua các năm và đạt 100% vào năm 2030, theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) của Bộ Tài chính.
Trong báo cáo tài chính nửa đầu năm, Heineken đánh giá phân khúc cao cấp và tiêu thụ tại chỗ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng của quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Để ứng phó, hãng này cho biết đang điều chỉnh danh mục đầu tư và kênh phân phối cho phù hợp và tập trung vào việc khôi phục khả năng cạnh tranh.
Theo đó, Việt Nam vẫn là 1 trong 5 thị trường được Heineken công bố sẽ gia tăng đầu tư mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay, nhằm hướng tới tăng trưởng lợi nhuận của toàn tập đoàn cả năm đạt khoảng 4-8%.
"Chúng tôi đang ở vị thế tốt để giành được thị phần lớn hơn và có lợi nhuận trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhờ triển vọng tăng trưởng của khu vực ngay cả khi vẫn còn những thách thức trong ngắn hạn, đặc biệt là tại thị trường lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất của chúng tôi - Việt Nam", Heineken cho biết.
Bia không cồn là một trong những sản phẩm được các doanh nghiệp bia "đánh cược" trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Minh Khánh.
Trong cuộc họp với nhà đầu tư quý I, ban lãnh đạo Sabeco cũng cho rằng quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ tiếp tục là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia năm nay. Cùng với đó, các yếu tố như chi phí sản xuất kinh doanh (bao bì, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển...) vẫn ở mức cao, biến động bất thường và dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Song, hãng vẫn tự tin sẽ duy trì đà phục hồi trong năm nay nhờ kết quả kinh doanh tích cực qua từng tháng, đồng thời đánh giá năm 2024 sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội cho ngành bia Việt Nam nhờ lợi thế dân số vàng, thu nhập tăng mạnh, tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn và thị trường xuất khẩu.
Sang năm 2025, Sabeco kỳ vọng chi phí đầu vào sẽ trở về mức bình thường, qua đó tác động tích cực lên biên lợi nhuận gộp, tạo ra môi trường chi phí thuận lợi hơn cho công ty.
Còn với Habeco, kế hoạch trong năm nay là gia tăng thị phần ở phía Bắc, cũng như tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường tại miền Trung và miền Nam. Hãng đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính tăng trưởng 5%.