Xu hướng xanh trong ngành chuyển phát nhanh
Theo dự đoán, những thay đổi mạnh mẽ trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã mang đến cho ngành chuyển phát nhanh nhiều cơ hội phát triển. Tuy vậy, với hệ thống giao thông hiện tại đã kéo thêm một số trở ngại trong khâu cuối vận chuyển như trình trạng khí tăng thải nhà kính, suy thoái môi trường và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Chưa kể nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề phát triển bền vững đang dần được nâng cao theo hướng tiêu dùng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ xanh, bền vững hơn. Điều này lý giải vì sao xu hướng vận tải “xanh” được dự báo sẽ ngày càng phát triển tại Việt Nam trong vài năm tới. Thêm vào đó các quy định nghiêm ngặt, trở ngại về nguồn lực cũng đặt lên vai các công ty logistics trọng trách tìm ra giải pháp để giảm tiêu thụ năng lượng và trở nên "xanh" hơn trong mắt người tiêu dùng.
Thách thức mang tên công nghệ
Bên cạnh thách thức về logistics “xanh”, tình trạng tắc nghẽn do cơ sở hạ tầng giao thông không đảm bảo cũng là một thách thức mà các doanh nghiệp logistics nói chung và doanh nghiệp chuyển phát nhanh nói riêng cần phải tìm phương án giải quyết. Bởi lẽ vấn đề tắc nghẽn hạ tầng này khiến thời gian chuyển hàng đến tay người mua bị kéo dài ngoài dự kiến.
Dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng không thể khắc phục trong ngắn hạn, nên các đơn vị chuyển phát nhanh phải nhanh nhạy tìm cách rút ngắn tối đa thời gian xử lý đơn hàng.
Các doanh nghiệp đang thích ứng ra sao?
Để thích ứng với những thay đổi trên, doanh nghiệp chuyển phát nhanh phải đẩy mạnh đầu tư vào xây dựng trung tâm trung chuyển, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm đẩy nhanh tốc độ và tăng cường độ chính xác khi xử lý các đơn hàng.
Chẳng hạn J&T Express gần đây đã đưa vào trung tâm trung chuyển mới tại Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Trung tâm này được đánh giá là hiện đại bậc nhất tại Việt Nam nhờ áp dụng máy móc công nghệ thông minh. Cụ thể là hệ thống phân loại tự động DWS, hệ thống ma trận phân loại hàng hóa tự động, hệ thống chuyển hướng băng tải cắt ngang (Cross-belt) 2 tầng, camera thang xám, cảm biến tự động hàng dừng khi báo đầy... trung tâm trung chuyển tại Củ Chi có khả năng phân loại tới 2 triệu kiện hàng với độ chính xác lên đến 99%. Cùng với hệ thống trung tâm trung chuyển hiện đại, mô hình nhượng quyền bưu cục chuyển phát nhanh cũng là một sáng kiến quan trọng để xử lý vấn đề tắc nghẽn cơ sở hạ tầng đã được J&T Express áp dụng. Nhờ mô hình này, J&T Express trở thành doanh nghiệp sở hữu lượng bưu cục lớn bậc nhất trên thị trường với 1.900 bưu cục và điểm nhận hàng tại khắp 63 tỉnh thành.
“Chúng tôi tin tưởng rằng bài toán phát triển bền vững của một doanh nghiệp cần đi từ gốc rễ vấn đề là nâng cao chất lượng dịch vụ. Đó chính là lý do vì sao chúng tôi đầu tư một cách bài bản cho các trung tâm trung chuyển và ứng dụng công nghệ vào hệ thống quy trình xử lý, vận hành”- ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam cho biết.
Đối với Công ty Interlog - vốn là doanh nghiệp logistics truyền thống nhưng với xu hướng của thị trường nên gần đây đã mạnh dạn đầu tư trung tâm trung chuyển để xử lý đơn hàng phục vụ thương mại điện tử. “Kho của chúng tôi khai thác đủ các dịch vụ từ xử lý hàng hóa, dán tem, nhãn cho tới các dịch vụ cộng thêm cũng như nhận vận chuyển, giao hàng đến người tiêu dùng. Đặc biệt, công ty cũng đã định hướng đầu tư công nghệ phần mềm liên quan đến việc hoàn tất đơn hàng, xử lý đơn hàng nhanh chóng hiệu quả”- ông Lê Hoàng Anh - Quản lý Kho Công ty Interlog chia sẻ.