Theo CNBC, Công ty phân tích blockchain Chainalysis nhận định 2022 là năm tồi tệ nhất đối với vấn đề bảo mật tiền mã hóa.
Báo cáo của Chainalysis cho biết tin tặc đã đánh cắp 3,8 tỷ USD vào năm 2022, tăng từ mức 3,3 tỷ USD vào năm 2021. Tháng 10 năm ngoái là thời điểm có nhiều vụ hack tiền mã hóa nhất với tổng số 32 cuộc tấn công mạng, cùng với đó là số tiền bị đánh cắp lên tới 775,7 triệu USD.
Giao thức tài chính phi tập trung (DeFi) là mục tiêu chính của các vụ tấn công khi chiếm tỷ lệ khoảng 82%, tương đương 3,1 tỷ USD, trong tổng vụ đánh cắp tiền mã hóa vào năm 2022.
Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia khuyến nghị mọi người nên nghiên cứu và kiểm tra kỹ lưỡng phần mềm phục vụ việc chuyển hoặc lưu trữ tiền mã hóa của mình.
Theo ông Max Krupyshev, đồng sáng lập và CEO của CoinsPaid, các ví tiền mã hóa có thể lưu trữ tài sản số của người dùng một cách an toàn và hạn chế bớt rủi ro từ những cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chú trọng việc xác định loại ví phù hợp nhất với bản thân.
Ông David Schwed, Giám đốc điều hành của Công ty an ninh mạng blockchain Halborn, cho biết vấn đề bảo mật hiện tại vẫn còn lỏng lẻo. Đây là tác nhân chính khiến số vụ hack tiền mã hóa gia tăng.
“Cộng đồng sử dụng DeFi nói chung không đặt nặng vấn đề bảo mật. Họ muốn tìm đến các giao thức có năng suất cao. Tuy nhiên, lợi ích ngắn hạn đó sẽ dẫn đến các rắc rối sau này”, ông David Schwed cho biết.
Tuy nhiên, các nhà phát triển DeFi rất thông minh khi họ học hỏi các chiến lược bảo mật được sử dụng bởi các tổ chức tài chính truyền thống.
CEO của Halborn cho biết những biện pháp tăng cường bảo mật đó bao gồm các giao thức thử nghiệm với nhiều cuộc tấn công mạng mô phỏng, giám sát chặt chẽ hơn và xây dựng các quy trình tạm dừng giao dịch nếu phát hiện hoạt động đáng ngờ.
“Các giao thức DeFi sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc áp dụng những phương pháp bảo mật tốt hơn. Điều này sẽ hệ sinh thái tiền mã hóa phát triển và thịnh vượng”, báo cáo của Chainalysis cho biết.