Một cuộc bàn luận xôn xao đã xuất hiện sau thông tin lực lượng công an và quân đội tham gia tăng cường cho lĩnh vực đăng kiểm ôtô. "Mảng đăng kiểm sẽ về tay bộ ngành nào sau bê bối bị điều tra", nhiều người đặt câu hỏi.
Trước những đồn đoán về tương lai của ngành đăng kiểm, mới đây, Bộ GTVT đã có chỉ đạo về việc tách bạch chức năng quản lý Nhà nước để trao lại mảng dịch vụ đăng kiểm cho các doanh nghiệp tư nhân.
Ngành đăng kiểm "lao đao"
Cách đây 10 năm, vào tháng 12/2013, tại trụ sở Cục Đăng kiểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trịnh trọng trao quyết định bổ nhiệm chức Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho ông Trần Kỳ Hình và chức Phó cục trưởng cho ông Đặng Việt Hà.
Lãnh đạo Bộ GTVT khi đó có lẽ không ngờ đến 10 năm sau, hai cán bộ được bổ nhiệm trở thành bị can trong đại án tham nhũng bị công an phanh phui. Hơn 400 người trong ngành đăng kiểm cũng bị khởi tố do dính líu đến tiêu cực.
Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, ông Trần Kỳ Hình đã bắt đầu nhận tiền hối lộ của một số giám đốc trung tâm đăng kiểm từ năm 2014, ngay sau khi nhậm chức. Công an kết luận cựu cục trưởng nhận hối lộ để ký duyệt cấp giấy chứng nhận hoạt động đăng kiểm cho các trung tâm đăng kiểm dù chưa đủ điều kiện theo quy định.
Tháng 7/2021, ông Đặng Việt Hà lên giữ chức Cục trưởng Cục Đăng kiểm thay cho ông Hình và cơ quan công an cho rằng ông tiếp tục các thủ đoạn nhận tiền chung chi, hối lộ từ các trung tâm đăng kiểm.
Ngành đăng kiểm Việt Nam hoạt động trong 10 năm dưới sự lãnh đạo của 2 vị cục trưởng đều dính líu tham nhũng. Không chỉ nhận tiền tham nhũng, 2 lãnh đạo này đã phớt lờ các chỉ đạo, quy hoạch để tiếp tay cho việc tăng ồ ạt số trung tâm đăng kiểm.
Theo tài liệu Zing thu thập được, từ năm 2015, Bộ GTVT đã ban hành đề án “Tách chức năng quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm”.
Đề án này đưa ra quan điểm thu hẹp và dần dần cổ phần hóa các trung tâm đăng kiểm do Cục Đăng kiểm và sở GTVT quản lý; giao cho các tổ chức ngoài Nhà nước thực hiện một số dịch vụ công mà cơ quan Nhà nước không cần trực tiếp thực hiện. Đề án hướng tới năm 2018, Cục Đăng kiểm chỉ còn giữ vai trò quản lý Nhà nước chứ không thực hiện cung ứng dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới.
8 năm qua, Cục Đăng kiểm chịu trách nhiệm thực thi đề án này, nhưng trên thực tế đã làm ngược lại yêu cầu của đề án.
Từ chỗ chỉ có 4 trung tâm kiểm định trực thuộc Cục đăng kiểm vào năm 2015, con số đã "nở ra" thành 20 trung tâm vào năm 2020. Số trung tâm đăng kiểm trực thuộc sở GTVT tăng từ 53 lên 69.
Số trung tâm tư nhân cũng tăng thêm đáng kể, từ 42 lên 196 trung tâm.
Theo quy hoạch 3771 ban hành năm 2014 của Bộ GTVT, đến năm 2020 cả nước có 269 trung tâm đăng kiểm để đáp ứng 6,3 triệu ôtô. Tuy nhiên, hiện nay cả nước đã có 260 trung tâm đăng kiểm, trong khi lượng ôtô được đăng kiểm chỉ là 4,55 triệu xe.
Trong quá trình điều tra, Bộ Công an kết luận việc mất cân đối cung cầu đã dẫn đến sự cạnh tranh rất lớn giữa các trung tâm. Để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận, nhiều trung tâm đã có hiện tượng tiêu cực, nhận hối lộ, bỏ qua lỗi phương tiện.
Việc mở ra các trung tâm đăng kiểm trực thuộc cơ quan quản lý Nhà nước đã giúp cho Cục Đăng kiểm duy trì nguồn thu đều đặn.
Tuy nhiên, hậu quả đã đến khi số lượng trung tâm gia tăng nhanh, vượt quy hoạch của Bộ GTVT và gây dư thừa nguồn cung dịch vụ.
Từ chỗ đáp ứng dịch vụ đăng kiểm, nhiều trung tâm đã kiếm thêm nguồn thu từ việc bỏ qua lỗi, tiếp tay cho hành vi thay đổi thiết kế, cơi nới của các phương tiện vận tải.
Những hậu quả trong việc quản lý lỏng lẻo mà 2 đời cục trưởng để lại rất nặng nề, đến nỗi một lãnh đạo Cục Đăng kiểm phải tâm sự: "Có những cơ sở dữ liệu mà cục lưu trữ đến giờ không dùng được, không dám dùng vì độ tin cậy thấp".
Nên "thị trường hóa" dịch vụ đăng kiểm
Cuộc điều tra với quy mô toàn quốc của lực lượng công an đã tạo xúc tác khiến Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam nhanh chóng đưa ra những cải cách trong việc vận hành hoạt động đăng kiểm.
Có những thứ trước đây rất khó đề đạt, thay đổi như chuyện xem xét tăng hạn đăng kiểm cho xe không kinh doanh vận tải, tính chu kỳ đăng kiểm theo số km thay vì theo thời gian thì đến nay cũng được lãnh đạo Cục Đăng kiểm hứa hẹn sẽ xem xét, áp dụng trong trong tương lai.
Trước mắt, Cục Đăng kiểm đã phê duyệt ngay cơ chế miễn đăng kiểm có thời hạn cho ôtô sản xuất mới. Bên cạnh đó, Cục cũng ban hành ngay lộ trình cho các garage bảo dưỡng của hãng ôtô được cung ứng dịch vụ kiểm định xe.
Đây là hai trong số nhiều chính sách mà Cục Đăng kiểm sẽ áp dụng để tạo thuận tiện hơn cho các tài xế, chủ xe.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), bày tỏ tán thành chỉ đạo của Bộ GTVT về việc kiên quyết tách chức năng cung cấp dịch vụ công ra khỏi Cục Đăng kiểm.
Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không trực tiếp cung ứng dịch vụ đăng kiểm, "miếng bánh" sẽ được trao lại cho thị trường tư nhân, tạo ra sự minh bạch trong hoạt động đăng kiểm, tránh tình trạng Nhà nước "vừa thổi còi, vừa đá bóng".
Chuyên gia cho rằng dịch vụ đăng kiểm ôtô nên được "thị trường hóa" tương tự như cách làm với dịch vụ công chứng giấy tờ. Khi thị trường được hình thành, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ sẽ tự phát triển tới ngưỡng cân bằng với nhu cầu của xã hội. Các cơ sở đăng kiểm trực thuộc Nhà nước vẫn có thể tồn tại, nhưng chỉ ở những vùng miền khó khăn, nơi không đủ hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư dịch vụ.
Với việc cơ quan Nhà nước chuyên tâm thực hiện chức năng quản lý, không tham gia kinh doanh dịch vụ, ông Đồng cho rằng hoạt động đăng kiểm ôtô tại Việt Nam sẽ trở thành một thị trường đúng nghĩa như ở các nước Anh, Mỹ... Ba lợi ích lớn của việc này là đảm bảo tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiết kiệm nguồn lực Nhà nước.
"Vai trò của Cục Đăng kiểm khi đó sẽ giống như một người quản lý thị trường - market regulator. Cục thực hiện 3 nhiệm vụ chính là: Đặt ra tiêu chuẩn đăng kiểm, cấp phép cho đơn vị đáp ứng tiêu chuẩn và giám sát việc thực thi tiêu chuẩn", lãnh đạo IPS chia sẻ.