Sau một giai đoạn tưởng đã giải quyết xong tình trạng quá tải đăng kiểm, cảnh ôtô xếp hàng dài tại các trung tâm lại tái diễn ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành trên cả nước.
Tình trạng này xuất hiện cùng với động thái khởi tố, bắt giữ thêm nhiều đăng kiểm viên của cơ quan điều tra. Công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực này đang đạt nhiều thành công, nhưng cũng kéo theo lo ngại về việc hệ thống dịch vụ đăng kiểm sẽ đứt gãy, sụp đổ.
Công an tiếp tục "truy vết"
Sau những cuộc đánh án "bất ngờ" vào các trung tâm đăng kiểm, bắt quả tang hành vi tiêu cực của đăng kiểm viên, cơ quan cảnh sát điều tra đang chuyển sang giai đoạn "truy vết", căn cứ dữ liệu thu thập được để mở rộng điều tra và xử lý triệt để các cá nhân từng sai phạm trong quá khứ.
Đơn cử, ngày 28/2, Trung tâm Đăng kiểm 29-25D trên đường Trần Vỹ (Cầu Giấy) đã phải đóng cửa do giám đốc trung tâm bị cơ quan điều tra triệu tập, không còn người lo việc ký đóng dấu kiểm định cho khách hàng.
Theo nguồn tin từ Cục Đăng kiểm, vị giám đốc bị triệu tập không phải vì sai phạm tại trạm 29-25D mà liên quan đến giai đoạn ông này từng làm việc tại một trung tâm khác thuộc Sở GTVT.
Hoạt động "truy vết" của cơ quan điều tra khiến một phần hệ thống đăng kiểm "hoảng sợ". Cục Đăng kiểm cho biết nhiều đăng kiểm viên chưa bị khởi tố nhưng đã nghỉ việc không rõ lý do, được gọi quay lại làm việc cũng không chấp hành.
Cả nước có tổng số 2.014 đăng kiểm viên xe cơ giới. Đến nay, số đăng kiểm viên còn đang làm việc trên toàn hệ thống khoảng 1.500 người.
Tính theo đơn vị đăng kiểm, cả nước có 281 trung tâm với 489 dây chuyền kiểm định. Theo thống kê đến ngày 1/3, 59 trung tâm đã dừng hoạt động, gồm 51 trung tâm phục vụ điều tra và 8 trung trâm dừng do không đủ điều kiện vận hành.
Đối với các trung tâm còn hoạt động, tình trạng nhân lực thiếu hụt, nghỉ việc hàng loạt cũng khiến cho năng suất sụt giảm. Có trung tâm thiết kế 4 dây chuyền nhưng chỉ đủ người vận hành một dây chuyền.
Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 26/2, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Tô An cho biết Hà Nội còn 15/31 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động, nhưng con số này sẽ giảm trong những ngày tới.
Đúng như lo ngại, ngày 27-28/2, hai trung tâm 29-25D (đường Trần Vỹ) và 29-27D (đường Phạm Văn Đồng) đóng cửa. Theo cập nhật đến chiều 1/3, Hà Nội chỉ còn 13 trung tâm hoạt động, phần nhiều trong số đó phải bỏ trống dây chuyền vì không đủ người vận hành.
Khủng hoảng nhân lực
Sự quyết liệt của lực lượng công an trong phá án được người dân đồng tình ủng hộ, nhưng cũng khiến các phương án tái cấu trúc nhân lực, "xốc lại đội hình" của Cục Đăng kiểm gặp nhiều khó khăn, biến số không thể lường trước.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết có trung tâm đăng kiểm bị bắt hết cả trạm. Cục phải biệt phái nhân lực từ trạm khác về tăng cường. Tuy nhiên, chính đội ngũ tăng cường này cũng đang nhận lệnh khởi tố.
Từ vị trí của Cục Đăng kiểm, tình trạng quá tải không chỉ nghiêm trọng ở Hà Nội và TP.HCM. Ngày qua ngày, cơ quan này nhận thêm những văn bản "xin tăng cường nhân sự" từ nhiều địa phương. Có tình trạng xe cộ từ 2-3 tỉnh phải dồn về một tỉnh để đăng kiểm.
Ngày 21/2, Sở GTVT Bắc Kạn thông báo về việc trung tâm kiểm định duy nhất trên địa bàn tỉnh đã đóng cửa do không đủ người làm việc. Trung tâm này đáp ứng khoảng 1.682 xe/tháng nên việc dừng hoạt động đang gây ra nhiều bất cập. Tỉnh xin Cục cho biệt phái thêm đăng kiểm viên về địa phương để khôi phục lại hoạt động đăng kiểm.
Trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng có văn bản xin Cục Đăng kiểm biệt phái 4 đăng kiểm viên về địa phương làm việc do trung tâm duy nhất trên địa bàn tỉnh này (28-01S) đã phải dừng hoạt động để phục vụ điều tra.
Trước sự thúc bách về nhân sự, lãnh đạo Cục Đăng kiểm đã trao đổi với đại diện Công an Hà Nội, mong muốn việc khởi tố diễn ra theo hướng không làm ảnh hưởng đến đội ngũ nhân lực và khả năng cung ứng dịch vụ đăng kiểm trên cả nước.
Đại diện công an khẳng định phải xử lý đến cùng để đảm bảo tính công bằng của pháp luật. Tuy nhiên, vị này gợi ý các đăng kiểm viên có tội nên chủ động đầu thú để được lượng khoan hồng, tùy trường hợp có thể được tại ngoại để tiếp tục phục vụ ngành đăng kiểm.
Trong hoàn cảnh lực lượng công an quyết tâm cao trong việc chống tham nhũng, Cục Đăng kiểm đang phải tính giải pháp bổ sung đầu vào nhân lực cho ngành. Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân sự đang gặp khó khăn do vướng mắc cơ chế. Bộ GTVT đã gửi công văn xin Bộ Nội vụ cho đẩy nhanh thời gian tuyển người trong tình huống cấp bách, nhưng chưa được chấp thuận.
Giả định tháo gỡ được khó khăn trong cơ chế tuyển người, lãnh đạo Cục Đăng kiểm lo ngại việc "có người để tuyển" cũng khó. Hiện nay, sinh viên chuyên ngành cơ khí ôtô có thể làm việc tại nhiều garage, trung tâm bảo dưỡng với mức thu nhập cao hơn và rủi ro ít hơn so với các đăng kiểm viên đang làm việc với mức lương 10-15 triệu đồng/tháng.
Đề xuất không phạt chủ xe vừa quá hạn đăng kiểm
Có mặt tại Trung tâm Đăng kiểm 29-06V (Tam Hiệp, Thanh Trì) từ 4h sáng ngày 28/2, ông Hoàng Đình Lập, tài xế chiếc Suzuki bán tải trú tại quận Hoàn Kiếm, than thở vì đi tới 3-4 trạm đăng kiểm ở nội thành nhưng vẫn không xong được việc. Các trạm mà ông ghé tới hoặc đóng cửa, hoặc quá đông phương tiện xếp hàng.
"Tôi đồng tình với việc phải xử lý nghiêm các trung tâm tham nhũng, nhưng để ùn tắc thế này thì khổ người dân. Nhà nước cần có biện pháp bổ sung nhân lực, mở lại các trạm để chúng tôi đỡ vất vả", ông Lập chia sẻ.
Trước nguy cơ "người dân trở thành nạn nhân", Cục Đăng kiểm đang nghiên cứu một số giải pháp ngăn quá tải như giảm số đăng kiểm viên mỗi dây chuyền, tuyển gấp nhân sự hoặc "xin công an đừng phạt xe vừa quá hạn đăng kiểm".
Trao đổi với Zing, PGS.TS Võ Trí Hảo, Hiệu trưởng Đại học Gia Định, đồng thời là chuyên gia pháp luật, đánh giá việc đề nghị công an tạm thời không xử phạt chủ xe vừa quá hạn đăng kiểm là phù hợp và trên thực tế đã từng được áp dụng trong giai đoạn dịch Covid-19.
"Đây là tình huống khó khăn đặc biệt mà cơ quan quản lý cần thống nhất với nhau đưa ra một tuyên bố rõ ràng để tránh rủi ro cho người dân. Có thể tính tới cơ chế ân hạn để người dân bớt lo lắng", ông Hảo chia sẻ.
Chuyên gia cho rằng Cục Đăng kiểm đã làm đúng khi dứt khoát không gia hạn kiểm định cho phương tiện trong giai đoạn này. Nếu không may phương tiện quá hạn đó gây tai nạn vì không đảm bảo an toàn kỹ thuật, cơ quan chức năng sẽ rất khó xác định trách nhiệm.
Tuy nhiên, việc có xử phạt chủ phương tiện đó hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Nhà nước mà đại diện ở đây là lực lượng Thanh tra giao thông (thuộc Bộ GTVT) và CSGT (thuộc Bộ Công an).
"Hai lực lượng này có thể thống nhất phát đi thông báo về việc ân hạn cho phương tiện vừa hết hạn đăng kiểm. Nếu gặp những phương tiện này ngoài đường, họ có thể nhắc nhở, cảnh cáo nhưng không phạt tiền người dân", PGS Võ Trí Hảo đề xuất.