Mới đây, Ralph Lauren, thương hiệu thời trang mang tính biểu tượng của Mỹ, và công ty trò chơi điện tử Epic Games, chủ nhân trò Fortnite đình đám, đã hợp tác để phát triển một dòng thời trang kết hợp trải nghiệm số và thực tế.
Bộ sưu tập có tên Polo Stadium đã được ra mắt giữa tuần vừa rồi trên trang web của nhà mốt, và sau đó vài ngày sẽ xuất hiện một phiên bản ảo trong trò chơi Fortnite với giá từ 6 USD. Cả hai bộ sưu tập đánh dấu lần đầu tiên có logo mới được thiết kế lại của hãng.
Đối với Ralph Lauren, với doanh số bán hàng tương đối ổn định trong thập kỷ qua, hãng thời trang lâu đời này có kế hoạch tăng giá và tập trung vào khách hàng mới để tăng trưởng. Họ hy vọng sẽ tiếp cận được 400 triệu người dùng của Fortnite.
Thực tế, các giao dịch trực tuyến hiện chiếm một phần tư doanh số bán hàng của Ralph Lauren và có thể đạt 33% trong vài năm tới nhờ những nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Đối với Fortnite, khi các game thủ mua sắm các vật phẩm thuộc bộ sưu tập Người nhện, tiền ảo V-Bucks của trò chơi này đã giúp thúc đẩy doanh số bán hàng năm ngoái lên mức kỷ lục 5,8 tỷ USD.
Hàng loạt thương hiệu lớn nhảy vào ngành game
Ralph Lauren không phải là nhà mốt duy nhất kết hợp với các tựa game. Thực tế trong vài năm trở lại đây, hàng loạt thương hiệu thời trang tên tuổi đã liên tục kết hợp hoặc tự làm game, nhằm quảng bá những bộ sưu tập đắt tiền của mình.
Năm ngoái, Balenciaga đã trở thành thương hiệu thời trang lớn đầu tiên tung ra bộ sưu tập thực ảo song hành với Fortnite. Trong khi đó, Ralph Lauren đã ra mắt mảng thời trang kỹ thuật số với Polo Shops ở Roblox, cho phép người chơi mua quần áo cho nhân vật của họ trong trò chơi.
Balenciaga là thương hiệu thời trang lớn đầu tiên tung ra bộ sưu tập thực ảo song hành với Fortnite. Ảnh: Vogue.
Nike cũng đã thành lập Metaverse Studio của mình và dự định đăng ký bằng sáng chế cho một loạt tài sản ảo như hình đại diện hoặc “cryptokick”. Công ty thậm chí đã thuê một giám đốc của Metaverse Engineering, sử dụng các công cụ thực tế tăng cường (AR) để kết hợp các đổi mới về thời trang, giải trí và trò chơi.
Hay như Louis Vuitton, đã phát triển Louis The Game, một trò chơi điện tử kết hợp giữa di sản, sự đổi mới và nghệ thuật NFT.
Ngoài ra không thể không kể tới Gucci, hãng thời trang hăng hái nhất trong việc nhảy vào ngành công nghiệp game trong thời gian gần đây.
Vào tháng 6/2021, hãng thời trang Gucci của Italy cũng hợp tác với hãng trò chơi điện tử Roblox ra mắt bộ sưu tập thời trang cho các nhân vật game trong thế giới ảo. Người chơi trên nền tảng game trên mạng của Roblox có thể sắm sửa túi xách, kính mắt, mũ Gucci chính hãng cho nhân vật trong game của mình với giá khoảng từ 1,2 đến 9 USD. Một trong số này được bán với giá 4.115 USD, cao hơn giá trị bán lẻ 3.400 USD của một chiếc túi vật lý.
Gucci mở học viện cho game thủ. Ảnh: Street Vibe.
Tới tháng 5 năm nay, Gucci tiếp tục muốn khai phá mảng thể thao điện tử. Theo đó Gucci và Faceit, nền tảng tổ chức thể thao điện tử lớn nhất thế giới với hơn 26 triệu người chơi, đã hợp tác với nhau thành lập một học viện riêng cho game thủ mang tên “Gucci Gaming Academy”. Sáng kiến này thúc đẩy thế hệ chơi game tài năng tiếp theo, bao gồm cả việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm lý.
Đối với Gucci, chương trình giúp họ kết nối trực tiếp với các tài năng thể thao điện tử triển vọng, đồng thời tin rằng cộng đồng game thủ sẽ giúp tiếp cận nhiều đối tượng khán giả đa dạng hơn, bao gồm cả những kiểu người tiêu dùng có thể chi trả cho các món hàng xa xỉ.
Ngành công nghiệp game đã lớn hơn điện ảnh
So với các lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa, ngành game có lịch sử muộn hơn, xuất hiện từ cuối năm 2004, manh nha hình thành một ngành công nghiệp vào những năm 2008-2010.
Tuy nhiên cho tới nay theo báo cáo của SafeBettingSites, thế giới đã có khoảng 3 tỷ người chơi game và đến năm 2030 con số này dự kiến sẽ tăng lên 4,5 tỷ người. Lượng người chơi game liên tục gia tăng nhờ vào việc các thiết bị chơi game ngày càng phủ sóng rộng rãi.
Điều này khiến cho game trở thành ngành công nghiệp có giá trị lớn thứ 2 trên thị trường, chỉ kém ngành truyền hình.
Ngành công nghiệp game đã lớn hơn điện ảnh và âm nhạc. Ảnh: iStock.
Theo Newzoo, ngành công nghiệp game đã đánh dấu một năm kỷ lục vào 2021 khi đạt doanh thu 180,3 tỷ USD. Dự báo cho năm 2024, ngành công nghiệp trò chơi sẽ đạt tổng doanh thu 218,8 tỷ USD trong năm đó với 116,4 tỷ USD chỉ riêng mảng di động.
Con số này đã vượt xa những ngành giải trí khác. Để so sánh, ngành game hiện tại đã lớn hơn ngành công nghiệp điện ảnh và âm nhạc cộng lại.
Theo Grandview Research, quy mô thị trường phim giải trí và phim ảnh toàn cầu chỉ đạt đạt 90,92 tỷ USD vào năm 2021. Còn ngành công nghiệp âm nhạc được ước tính là hơn 50 tỷ USD.
Tỷ lệ trả tiền cực cao
Một nguyên nhân nữa khiến các hãng thời trang trong thời gian gần đây liên tục kết hợp với ngành công nghiệp game chính là việc tỷ lệ người dùng bỏ tiền mua các món đồ làm đẹp như quần áo, trang phục trong các trò chơi cực kỳ cao.
Theo khảo sát của Statista, có tới hơn 90% người chơi trên toàn cầu đã từng một lần bỏ tiền để mua các trang phục trong game. Đối với trò chơi Fortnite mà Ralph Lauren vừa hợp tác, con số này lên tới 80%.
Ngoài ra, giá tiền của nhiều trang phục không hề rẻ, nó có thể tương đương hoặc đắt ngang những bộ trang phục ngoài đời thực.
Ethereal Flames Pink War Dog được bán với giá 38.000 USD. Ảnh: Eurogamer.
Có thể kể tới một chú “gà” Ethereal Flames Pink War Dog trong tựa game Dota 2 khi nó có diện mạo đẹp, mang màu hồng cực hiếm được bán với giá 38.000 USD. Một con dao trong tựa game CS:GO có tên StatTrak Karambit Crimson Web có thể lên đến 50.000 USD trong vài năm trước đây. Hay như một khẩu súng, cũng trong tựa game CS:GO là AWP Dragon Lore, một trong những skin đắt giá nhất thế giới với giá khoảng 300,000 USD mỗi khẩu.
Có thể thấy, ngành công nghiệp game hiện tại có tiềm năng rất lớn đối với các hãng thời trang, không chỉ tiếp cận được những khách hàng trẻ tuổi, sẵn sàng chi tiền hơn mà còn mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh khác trong tương lai.