Theo Hiệp hội Gỗ Việt Nam (VIFOREST), từ đầu năm đến nay có nhiều thuận lợi tạo đà cho xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng trưởng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ trong năm 2022 thì từ nay đến cuối năm, ngành gỗ còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là bài toán về nguyên liệu, phí vận chuyển...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước đạt 1,55 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đại diện VIFOREST, một trong những thuận lợi của xuất khẩu gỗ thời gian qua chính là việc các DN đã tận dụng tốt những lợi thế và ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… để mở rộng thị trường và tăng khả năng xuất khẩu.
Đến nay, hầu hết các DN ngành gỗ đã thích ứng linh hoạt với dịch bệnh và những diễn biến của thị trường, kịp thời đáp ứng các đơn hàng tồn đọng. Hiện tại, nhiều DN đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2022, thậm chí nhiều DN đã ký kết các đơn hàng đến cuối năm 2022. Quy mô của các đơn hàng đang tăng lên mạnh, các nhà máy chế biến gỗ đang gia tăng công suất để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), với nhiều thuận lợi về xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022, mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ từ 17,5 - 18 USD là hoàn toàn có thể đạt được. Trong đó, 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực là ghế ngồi sẽ đạt 4,1 tỷ USD; đồ gỗ, đồ nội thất sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD; dăm gỗ đạt khoảng 2,1 tỷ USD; viên nén đạt khoảng 0,6 tỷ USD và gỗ dán đạt khoảng 1,3 tỷ USD.
Để đạt được kế hoạch thì ngành gỗ cũng như các cơ quan quản lý và DN cần tăng cường nhiều hoạt động kết nối giao thương, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan mà các FTA mang lại để thâm nhập vào nhiều thị trường mới.
Mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu khả quan, song xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, điển hình là cước vận chuyển, chi phí logistics tăng cao.
Theo phản ánh của các DN, điều này đang khiến giá thành sản phẩm bị đội lên rất cao. Đơn cử như một container đi châu Âu hiện có giá dao động 6.000 - 8.000 USD, đi các cảng bờ Tây nước Mỹ dao động từ 12.000 - 14.000 USD/cont (tùy hãng); đi bờ Đông nước Mỹ như (Baltimore, Miami, New Orleans, Houston…) dao động ở mức cao từ 19.000 - 22.000 USD/cont…
Việc tăng cước vận tải biển lên gấp 3-4 lần như vậy trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN xuất khẩu gỗ.
Bên cạnh đó, các DN cũng đang phải đối mặt với bài toán nguồn nguyên liệu. Hiện nay nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến, bao gồm khai thác rừng trồng và khai thác cây trồng phân tán, gỗ cao su. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3 gỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp - Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, thời gian qua giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước tăng cao ảnh hưởng lớn tới chi phí đầu vào của DN sản xuất.
Chính phủ cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ, phục vụ sản xuất đồ gỗ nhằm giảm sự phụ thuộc của ngành vào nguồn gỗ nhập khẩu đặc biệt là nguồn gỗ rủi ro. Tuy nhiên, đến nay kết quả đạt được trong việc tạo nguồn gỗ rừng trồng chất lượng cao vẫn còn thấp, chất lượng nguyên liệu gỗ rừng trồng chưa được cải thiện, trong khi các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… ngày càng kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ gỗ.
Để ngành gỗ phát triển bền vững, cần nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu rừng trồng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chế biến sản phẩm gỗ để tăng khả năng cạnh tranh và thâm nhập vào những thị trường khó tính.
Theo đại diện VIFOREST, từ nay đến cuối năm 2022 ngành gỗ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đề ra. Theo đó, cần nhanh chóng thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030; Hoàn thiện cơ chế chính sách, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp.
Cùng với đó, đầu tư đúng mức cho các hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các DN cần chủ động thích ứng với tình hình mới, nâng cao năng lực quản trị, đầu tư công nghệ, tiếp tục khai thác tối đa ưu đãi từ các FTA...
Theo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 327/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 10/3/2022, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ vào năm 2025 và 25 tỷ vào năm 2030...