Theo Bloomberg, những tuần qua, các khách bay ở Sydney phải chờ hàng giờ để làm thủ tục. Từ những sân bay Ấn Độ đến châu Âu, tình trạng gián đoạn và hỗn loạn liên tục diễn ra, hãng bay Deutsche Lufthansa AG đã hủy hàng trăm chuyến bay. Ngành hàng không toàn cầu rơi vào tình trạng thiếu nhân sự nghiêm trọng.
Các quốc gia trên khắp thế giới đã mở cửa trở lại và gỡ bỏ những hạn chế chống dịch. Ngành công nghiệp du lịch bật dậy mạnh mẽ và dẫn tới một cuộc khủng hoảng việc làm chưa từng có.
Ông David Mann - nhà kinh tế trưởng tại Viện Kinh tế Mastercard - cho rằng giá cả tăng cao không ngăn cản du khách du lịch vào mùa hè này, nhất là khi nhiều nơi trên thế giới đã mở cửa trở lại.
Thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng
Nói với CNBC, ông thừa nhận lạm phát là một vấn đề đáng lo ngại. "Nhưng một phần nguyên nhân là nhu cầu bị dồn nén giờ được giải phóng", vị chuyên gia giải thích.
Vấn đề trở nên tồi tệ vì trong thời kỳ đại dịch, ngành công nghiệp đã sa thải hàng trăm nghìn người lao động từ phi công, tiếp viên đến nhân viên mặt đất.
Nhiều người lao động không muốn trở lại ngành công nghiệp du lịch nhiều biến động. Nhưng ngay cả các hãng bay và cảng hàng không cũng ngần ngại trong việc tuyển dụng quy mô lớn. Bởi lạm phát tăng cao và những áp lực đối với nền kinh tế có thể đe dọa nhu cầu trong dài hạn.
"Ở thời điểm hiện tại, mọi hãng bay và sân bay đều thiếu nhân viên", Bloomberg dẫn lời ông Geoff Culbert - Giám đốc điều hành sân bay Sydney - thừa nhận. Trong thời kỳ đại dịch, gần 50% trong số 33.000 nhân viên của sân bay đã mất việc làm.
Cảng hàng không đang gấp rút tuyển thêm nhân viên. Nhưng ông Culbert thừa nhận rằng sân bay không còn thu hút người lao động như trước.
Các sân bay Schiphol của Amsterdam và Gatwick của London đều có kế hoạch hạn chế số lượng du khách trong mùa cao điểm vì thiếu nhân sự.
Bị mất việc làm trong thời kỳ đại dịch, nhiều nhân sự trong ngành hàng không đã chuyển sang các ngành nghề khác ít biến động hơn. Sân bay Changi của Singapore hiện tuyển thêm 6.600 nhân viên từ nhân viên an ninh đến nhân viên phục vụ.
Việc thiếu hụt nhân viên tại cảng hàng không đã dẫn tới tình trạng hoãn hoặc hủy chuyến bay, gây phẫn nộ cho các hãng hàng không và du khách trên toàn cầu.
Tuần trước, ông Jens Ritter - CEO Lufthansa - tiết lộ hãng hàng không Đức đang gặp khó trong việc vận hành theo đúng lịch trình và đảm bảo chất lượng vì thiếu nhân viên. Ông cũng xin lỗi về các chuyến bay bị hủy ở Munich và Frankfurt.
"Nhiều người đã rời bỏ ngành hàng không trong thời kỳ đại dịch và tìm được công việc khác", ông Ritter chia sẻ. "Giờ, những đối tác trong hệ thống của chúng tôi, chẳng hạn các sân bay và nhà cung cấp dịch vụ ăn uống đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên nghiêm trọng và gặp khó trong việc thuê người mới", ông nói thêm.
Các hãng bay gặp khó
Tại sân bay Sydney vào cuối tuần trước, hàng dài người đứng đợi kiểm tra an ninh để lên các chuyến bay của Virgin Australia và Jetstar. Đám đông thậm chí tràn ra khỏi cửa.
Ngoài khu vực kiểm tra an ninh, ở quán cà phê Toby's Estate, một nhân viên pha chế cho biết anh đã làm ít nhất 300 cốc cà phê chỉ trong một buổi trưa, nhiều hơn 50% so với ngày thường. Gần đó, 20 người đang đứng xếp hàng trước quầy McDonald's.
Còn ở Ấn Độ, cô Zainab Ashraf, một chuyên gia trang điểm, phải chờ 45 phút chỉ để lấy hành lý. Sân bay dường như không bao giờ vắng bất kể cô bay vào lúc nào.
Sau mùa du lịch cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8, mọi người trở lại học tập và làm việc, nhu cầu sụt giảm có thể khiến các hãng hàng không phải giảm giá vé
Ông Robert Mann - người đứng đầu công ty tư vấn R.W. Mann & Co.
"Tôi chưa từng thấy sân bay Kolkata bớt đông đúc hơn ngay cả ngoài giờ cao điểm. Tôi luôn phải chen chúc giữa đám đông", cô Ashraf than thở.
Tình trạng gián đoạn cũng nghiêm trọng tại Anh và các trung tâm khác của châu Âu như Amsterdam, Frankfurt và Paris. Mới đây, sau khi đàm phán tăng lương thất bại, liên đoàn thành viên phi hành đoàn của hãng bay Ryanair Holdings Plc đã thông báo sẽ đình công trong 6 ngày kể từ tháng này.
Tuần này, một người khuyết tật đã tử vong tại sân bay Gatwick của Anh vì rơi khỏi thang máy trong khi chờ nhân viên sân bay lấy xe lăn. Truyền thông địa phương đổ lỗi cho tình trạng thiếu hụt nhân viên tại sân bay, nhưng Gatwick bác bỏ cáo buộc trên.
Nhưng các hãng bay và sân bay còn gặp thêm một vấn đề nữa. Đó là nỗi lo ngại rằng nhu cầu có thể không kéo dài.
Như vậy, nếu đưa tất cả máy bay hoạt động trở lại và đẩy mạnh tuyển dụng, các hãng hàng không có khả năng đối mặt với vấn đề dư thừa công suất về cả số máy bay lẫn nhân lực.
Trong khi đó, giá vé máy bay đã tăng cao. Lạm phát cũng làm tăng chi phí sinh hoạt và có thể khiến người tiêu dùng ngần ngại du lịch.
"Sau mùa du lịch cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8, mọi người trở lại học tập và làm việc, nhu cầu sụt giảm có thể khiến các hãng hàng không phải giảm giá vé", ông Robert Mann - người đứng đầu công ty tư vấn R.W. Mann & Co. - bình luận.
"Nếu không, giá vé tăng cao có thể kéo tụt nhu cầu hơn nữa", ông nói thêm. "Khi đó, tỷ suất lợi nhuận của các hãng hàng không sẽ xấu đi. Họ sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn", vị chuyên gia cảnh báo.