Báo cáo quý I/2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, các tổ chức quốc tế đều có dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thấp hơn dự báo trước đó năm 2022 từ 0,5 đến 1,2 điểm phần trăm. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó và thể hiện rất rõ trong tăng trưởng quý I chỉ ước đạt 3,32%, thấp hơn 1,95 điểm phần trăm so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 là 5,72%). Tăng trưởng chủ yếu ở khu vực dịch vụ và khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản; riêng khu vực công nghiệp luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế nhưng quý này đang suy giảm. Cụ thể:
Khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Điều này cho thấy ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế nước, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp ổn định trong tăng trưởng kinh tế.
Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 3 khu vực đạt 6,79%, đóng góp 3,26 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung. Nhiều hoạt động dịch vụ do ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 đã sôi động trở lại kể từ quý IV/2022 như hoạt động du lịch, hoạt động vui chơi giải trí đã kích thích các ngành kinh tế khác phát triển như hoạt động vận tải đặc biệt vận tải hàng không tăng cao, dịch vụ lưu trú, ăn uống…
Đóng góp của một số ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay như sau:
Ngành bán buôn, bán lẻ tăng khá với 8,09%, đóng góp 0,85 điểm phần trong trong tăng trưởng chung, thể hiện nhu cầu tiêu dùng tăng lên, cầu tiêu dùng cuối cùng được củng cố và phục hồi. Tuy nhiên, một lý do khác là được so với nền quý I/2022, ngành này có tốc độ tăng khá thấp (chỉ 3,34%, thấp nhất so với các quý I kể từ năm 2011 đến nay).
Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98%, đóng góp 0,64 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung, ngành này đang lấy lại đà tăng trưởng khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát nhu cầu du lịch tăng cao.
Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng 7,65%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm.
Ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm, thể hiện các hoạt động vận chuyển đặc biệt là vận chuyển hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu được tăng cường; hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường hàng không mở cửa trở lại và có mức tăng trưởng cao.
Tổng cục Thống kê cho biết thêm, đối với khu vực công nghiệp xây dựng, ngành này có mức tăng trưởng 1,95%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong đó có đóng góp lớn của ngành xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng với mức tăng trưởng gần 9%.
Ngược lại, các ngành công nghiệp tăng trưởng giảm 0,82%, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung, đây là lần đầu tiên các ngành công nghiệp có mức tăng trưởng âm quý I kể từ năm 2011 đến nay. Trong đó các ngành công nghiệp giảm mạnh nhất là dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da, sản xuất các sản phẩm điện tử… là những ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó vẫn có một số ngành tăng trưởng khá như sản xuất đồ uống tăng gần 25%, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng hơn 19% và sản xuất các sản phẩm từ cao su và nhựa tăng 12%, đóng góp chung vào tăng trưởng …
Về phía sử dụng GDP trong quý I cho thấy một số điểm sáng được kể tới đó là tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình có mức tăng 3,01%, kết quả này cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại trạng thái bình thường theo quy luật tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Điều này thấy được ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính quý I năm 2023 tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, đầu tư công tăng, trong quý I vốn đầu tư NSNN đạt 13,4% kế hoạch năm đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm 2023 tăng 11,5% so cùng kỳ.
Ngoài ra,mặc dù kim ngạch xuất, nhập khẩu cùng giảm nhưng cán cân thương mại xuất siêu cũng đã đóng góp vào mức tăng trưởng chung của GDP quý I.