Nước mắt iPhone
Tờ Nikkei Asian Review cho biết trong khi các tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử cho xe điện tại Nhật Bản hồ hởi vì một năm lợi nhuận thì những nhà cung ứng chỉ chuyên cung cấp cho doanh nghiệp điện thoại lại đang khóc ròng.
Ví dụ như nhà cung ứng Murata Manufacturing, Rohm và Taiyo Yuden của Apple đều dự báo suy giảm doanh thu trong năm tài khóa này vì nhu cầu smartphone giảm mạnh trên toàn cầu.
Hãng Murata ước tính lợi nhuận ròng trong năm tài khóa này sẽ giảm khoảng 30% do nhu cầu smartphone yếu khiến doanh số bán các tụ điện gốm (Ceramic Capacitors), vốn là sản phẩm đang bị Murata chiếm 40% thị phần toàn cầu, suy giảm mạnh.
Tương tự, hãng Taiyo Yuden, đứng thứ 3 thế giới về thị phần tụ điện gốm cũng dự báo suy giảm 66% lợi nhuận ròng trong năm tài khóa 2023.
Báo cáo của hãng nghiên cứu Mỹ International Data Corp dự báo doanh số smartphone toàn cầu sẽ giảm 1% xuống chỉ còn 1,19 tỷ đơn vị trong năm 2023. Tồi tệ hơn, sẽ không có một thị trường nào có thể hồi phục cho đến tận năm 2024.
Tờ Nikkei nhận định chu kỳ thay thế điện thoại để mua mới với iPhone cùng những dòng smartphone cấp cao khác đang ngày một lâu hơn, một phần do giá ngày càng đắt đỏ, phần khác do công nghệ đã dần đến điểm bão hòa. Những sản phẩm điện thoại mới ngày nay, thậm chí iPhone của Apple không còn là công nghệ vượt trội hay có điểm gì khác biệt quá nhiều so với đời cũ trước đó.
Chủ tịch Tsuneo Murata của hãng Murata dự báo thị trường smartphone có lẽ phải mất đến vài năm mới có thể hồi phục trở lại doanh số 1,3 triệu đơn vị.
Trong năm tài khóa tính đến tháng 3/2022, một số hãng cung ứng linh kiện điện tử Nhật Bản vẫn ghi nhận lợi nhuận do lệnh giãn cách khiến người dân ở nhà cần dùng đồ điện tử nhiều hơn. Thế nhưng bước sang năm sau tính đến tháng 3/2023, lợi nhuận của các doanh nghiệp này đã giảm tới 21%.
Đổi đời nhờ xe điện
Tờ Nikkei cho biết trong khi các nhà cung ứng linh kiện cho smartphone khóc ròng thì những tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử lớn của Nhật Bản biết dịch chuyển sang ngành xe điện lại hưởng lợi nhuận kỷ lục.
Tổng lợi nhuận của 8 công ty sản xuất linh kiện điện tử lớn nhất Nhật Bản dự kiến sẽ tăng lần đầu tiên trong 2 năm qua. Cụ thể, tổng lợi nhuận ròng ước tính sẽ tăng 8% lên 829 tỷ Yên, tương đương 6 tỷ USD cho năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2024.
“Trong khi doanh số bán linh kiện điện tử cho smartphone ảm đạm thì mảng bán hàng cho ngành ô tô lại tăng trưởng mạnh”, Chủ tịch Hideo Tanimoto của Kyocera hồ hởi khi thông báo doanh nghiệp này sẽ tăng 13% lợi nhuận trong năm nay.
Tương tự, hàng loạt những tên tuổi nổi tiếng Nhật Bản như Nidec, TDK, Nitto Denko hay Akps Alpine cũng dự kiến sẽ tăng trưởng lợi nhuận trong năm tài khóa này bất chấp nhu cầu điện thoại và máy tính cá nhân ảm đạm hậu đại dịch.
Hãng TDK dự báo lợi nhuận ròng sẽ tăng 29% lên mức kỷ lục nhờ những linh kiện điện tử cung ứng cho ngành xe điện, vốn có thiết kế không giống ô tô xăng truyền thống khi phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống điện tử.
“Thị trường xe điện sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và những nguồn thu từ cung ứng linh kiện cho xe điện hay thiết bị sạc sẽ tiếp tục đi lên”, Chủ tịch Noboru Saito của TDK cho biết.
Trong khi đó, tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử Nidec có lẽ là mừng rỡ nhất bởi mảng sản xuất linh kiện cho xe hơi của họ đang có những thành công đáng kể trong ngành ô tô điện. Hệ thống điều khiển xe điện E-Axle của tập đoàn này bắt đầu có lãi khi được nhiều hãng ô tô đặt hàng.
Mảng cung ứng linh kiện cho ô tô của 5 tập đoàn sản xuất lớn của Nhật Bản trong năm tài khóa trước, tính đến tháng 3/2023, đã tăng trưởng 22% doanh số lên mức 1,63 nghìn tỷ Yên. Đóng góp của mảng xe điện trong tổng doanh số của các tập đoàn này đã tăng từ 3% lên 24%.
Báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy doanh số xe điện và Hybrid đã tăng 50% lên hơn 10 triệu chiếc năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 14 triệu chiếc trong năm nay. Trong đó Trung Quốc là thị trường dẫn đầu khi chiếm khoảng 60% tổng doanh số của năm 2022.
Không chịu kém cạnh, Mỹ cũng đang tăng cường đầu tư cho ngành này, qua đó thúc đẩy nhu cầu linh kiện điện tử ngày một tăng trên thị trường, thay thế smartphone để trở thành ngành cần nhiều linh kiện điện tử hơn cả.
*Nguồn: Nikkei Asian Review