Ảnh minh họa.
Nguồn cung gặp khó
Ngành thép châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng trầm trọng vì giá khí đốt tăng mạnh sau thông tin Nga khóa đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 vô thời hạn. Nord Stream 1 đóng vai trò quan trọng khi chiếm tới 1/3 tổng lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang châu Âu.
Khí đốt được ứng dụng trong nhiều hoạt động khác nhau tại các nhà máy sản xuất thép như dùng để hàn, cắt, làm nguồn nhiệt điện, chất khử. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/9, giá khí đốt giao sau tại thị trường châu Âu tăng hơn 25%, có lúc tăng đến 40% trong phiên.
Nga đưa ra tuyên bố chỉ mở lại đường ống nếu châu Âu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã áp lên quốc gia này, gây ra nhiều lo ngại tình trạng này có thể kéo dài. Trước đó, EU đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu 2/3 lượng dầu mỏ và cấm hoàn toàn than nhập khẩu từ Nga.
Một loạt hành động này đã đẩy giá điện và giá nhiên liệu tại châu Âu tăng vọt. Một số nhà máy thép trong khu vực đã phải cắt giảm một phần hoặc ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất.
(Nguồn ảnh: World Steel)
Ngoài ra, giá than cốc, nhiên liệu chính để sản xuất thép, đã đạt gần 300 USD/tấn, tăng khoảng 90 USD so với hồi đầu tháng 8 (theo dữ liệu từ SteelMint). Giá nguyên liệu đầu vào leo thang kéo theo chi phí vận hành của các nhà máy thép cao hơn.
Thị trường thép Trung Quốc đã có phản ứng trước giá nguyên vật liệu tăng cao.
Ngày 6/9, giá thép thế giới trên sàn giao dịch Thượng Hải đã tăng trở lại sau chuỗi giảm kéo dài. Đến ngày 7/9, giá thép giao tháng 1/2023 tiếp tục tăng lên mức 3.677 Nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt 63,5% Fe giao tại cảng Thiên Tân cũng tăng 3% so với tuần trước. Giá quặng giao tháng 1 trên sàn Đại Liên tăng 4% so với cuối tuần trước.
Tại thị trường trong nước, sau 15 lần giảm giá liên tiếp trong vòng 4 tháng qua, giá thép đã bật tăng trở lại vào hôm 31/8. Giá thép trong nước tiếp tục đi ngang, và có dấu hiệu tiếp tục tăng từ ngày 6/9.
Giữa bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giá thép nội địa đã có phiên tăng thứ hai liên tiếp trong ngày 7/9. Sau hai lần điều chỉnh, giá thép đã tăng gần 1 triệu đồng/tấn.
Nhu cầu thép có gia tăng ở những tháng cuối năm?
Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa sản lượng và nhu cầu thép thành phẩm toàn cầu.
Tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trên toàn cầu năm 2021 đạt 1.834 triệu tấn. (Nguồn ảnh: World Steel)
Nhu cầu thép của Trung Quốc phần lớn được hỗ trợ bởi các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Trung Quốc đang rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng, hàng loạt dự án bị đình trệ.
Đồng thời, chính sách zero-covid tại nhiều thành phố lớn tiếp tục kéo chậm nền kinh tế Trung Quốc, cản trở sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản.
Nhu cầu tiêu thụ thép tại thị trường Trung Quốc trở nên suy yếu khiến cho tỷ trọng xuất khẩu thép sang quốc gia 1,4 tỷ dân giảm mạnh. Năm 2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 8/2022, Trung Quốc đã tụt về cuối bảng xếp hạng top 10 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam.
10 thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam.
Thị trường thép Hoa Kỳ cũng không mấy lạc quan. Ngày 29/8, giá thép HRC kỳ hạn tháng 9 của Mỹ giảm 10,4% so với tháng trước, rơi xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại do lạm phát và lãi suất gia tăng, chi phí năng lượng cao và lo ngại suy thoái đã làm giảm nhu cầu thép, gây áp lực lên thị trường thép toàn cầu.
Hoàn cảnh khó khăn này cũng được dự báo sẽ xảy ra tại châu Âu. Hiệp hội Thép châu Âu cho biết nhu cầu thép tại châu lục này sẽ giảm trong 4 tháng cuối năm 2022. Do những bất ổn đến từ khủng hoảng năng lượng đang diễn ra, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,38 triệu tấn thép, giảm 17,49% so với cùng kỳ 2021, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).
Tại thị trường Việt Nam, Thủ tướng đã yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 khi ước tính thanh toán vốn kế hoạch 8 tháng qua mới chỉ đạt 35,49% kế hoạch và đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, theo số liệu từ Bộ Tài chính.
Nhờ đó, thị trường thép vẫn còn dư địa tăng trưởng ở thị trường nội địa khi hoạt động giải ngân vốn đầu tư, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, được triển khai mạnh mẽ vào cuối năm.
Các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, xây dựng đường Vành đai tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 3 dự án xây dựng đường cao tốc… sẽ hỗ trợ kích cầu thị trường thép.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nhu cầu thép xây dựng sẽ sớm phục hồi khi giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc từ cuối năm 2022 sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoàn thành giai đoạn phê duyệt thủ tục.
Dù giá thép đã giảm trên dưới 5 triệu đồng/tấn trong 4 tháng qua, nhưng các nhà thầu vẫn gặp khó khăn khi giá thành các nguyên vật liệu xây dựng khác còn ở mức cao. Một số chủ đầu tư cũng đang phải xoay sở dòng tiền khi hoạt động tín dụng chịu sự kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra, ngành thép Việt Nam có thể hưởng lợi từ căng thẳng giữa Nga và EU.
Theo VDSC, lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU áp dụng từ tháng 12 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện trong khu vực. Cộng thêm việc EU sẽ cần thời gian để tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế, vì thế, các nguồn cung thép rẻ hơn ở châu Á trở nên hấp dẫn hơn khi nhu cầu thép của EU phục hồi.
Nhu cầu thép ở thị trường nội địa vì vậy có dư địa hồi phục, đồng thời cơ hội mở rộng thị trường EU - đang là những điểm sáng đáng chú ý nhất với các doanh nghiệp thép trong bốn tháng cuối năm.