Mới đây, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 10 với doanh thu thuần đạt 2.960 tỷ và 147 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 42,3% và 22,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 10 tháng, doanh thu thuần cùng lợi nhuận sau thuế của nhà bán lẻ vàng bạc này lần lượt đạt 28.535 tỷ đồng và 1,487 tỷ đồng, tăng 95,5% và 118,2% so với cùng kỳ.
Đại diện PNJ cho biết nhờ chiến lược kinh doanh hợp lý và triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy bán hàng trên toàn quốc, đơn vị đã đạt kế hoạch doanh thu lẫn lợi nhuận năm 2022 trước hai tháng.
Thực chất, không chỉ PNJ của Việt Nam có những bước tăng trưởng mạnh trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ngành trang sức toàn cầu cũng đang ghi nhận tăng trưởng rất tốt, bất chấp lạm phát gia tăng và suy thoái kinh tế rình rập.
Ngành trang sức xa xỉ vẫn lạc quan
Từ đầu năm, các nhà trang sức nổi tiếng thế giới như Bulgari, Cartier hay Prada vẫn liên tục mở rộng nhà máy và ra mắt thêm các dòng sản phẩm mới. Dù trong thời kỳ đỉnh cao của đại dịch Covid-19, thị trường trang sức xa xỉ năm 2021 vẫn được định giá khoảng 22,8 tỷ USD, tăng 7% so năm 2019.
Federica Levato, đối tác cấp cao của Bain and Company ở Milan, cho biết: “Đồ trang sức nói chung có khả năng phục hồi tốt hơn so với các loại hàng xa xỉ khác trong thời kỳ khủng hoảng. Nếu chúng ta nhìn vào hàng xa xỉ, đồ trang sức đang chiếm thị phần nhiều hơn so với các phân khúc khác”.
Vào tháng 10, Bulgari tuyên bố đang lên kế hoạch tăng gấp đôi công suất lẫn diện tích nhà máy trang sức rộng 14.000 m2 ở Valenza, một trong những cơ sở lớn nhất trong ngành trang sức ở châu Âu. Tại đó, thương hiệu này sẽ kết hợp giữa sản xuất tự động hóa và thủ công để tạo ra những món đồ trang sức với giá lên tới 100.000 EUR.
Việc mở rộng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Và đến năm 2028, Bulgari dự kiến tuyển dụng thêm khoảng 650 nhân viên, nâng tổng số nhân sự của nhà máy lên 1.400 người.
Jean-Christophe Babin, Giám đốc điều hành của Bulgari, cho biết: “Trang sức là thứ xa xỉ duy nhất không bao giờ mất giá trị. Đó là yếu tố chính khiến nó phát triển nhanh hơn và bền bỉ hơn bất kỳ thứ xa xỉ nào khác”.
Tận dụng mạng xã hội
Marco Carniello, Giám đốc toàn cầu của Jewellery & Fashion Division, cho biết: “Trang sức từ các thương hiệu cao cấp như Bulgari, Tiffany, Cartier… từng chỉ chiếm 15% tổng lượng tiêu thụ trang sức, đây là một tỷ lệ tương đối nhỏ nếu so sánh với thời trang”.
Điều đó có nghĩa là 80% đồ trang sức tới từ các thương hiệu nhỏ hoặc không có thương hiệu, vì vậy nhà bán lẻ này kỳ vọng đóng vai trò lớn nhất trong việc xây dựng các mối quan hệ với khách hàng.
Tuy nhiên, chỉ trong một thập kỷ, xu hướng đã thay đổi. Năm 2021, trang sức có thương hiệu chiếm 25-30% thị trường trang sức, tăng rõ rệt so với năm 2011.
Cyrille Vigneron, Giám đốc điều hành của Cartier, cũng nhận định về tăng trưởng của ngành trang sức rằng mạng xã hội đã giúp thúc đẩy doanh số bán hàng xa xỉ trong thời kỳ đại dịch. Các công cụ tìm kiếm được điều hành bởi các thuật toán, nhiều người càng tìm kiếm, kết quả sẽ càng xuất hiện nhiều.
"Người ta thường nghĩ rằng các thương hiệu xa xỉ chỉ phục vụ và quảng cáo hướng đến phạm vi khách hàng nhất định, nhằm duy trì được giá trị của nó. Tuy nhiên thực tế, càng nhiều người biết đến, niềm khao khát sở hữu sẽ ngày càng tăng”, Cyrille Vigneron chia sẻ.
Ngay cả đối với thế hệ Gen Z, nhóm người hoạt động chủ yếu trên Instagram hoặc TikTok, những món trang sức xa xỉ cũng được chia sẻ và coi đây là vật mang tính biểu tượng, khao khát sở hữu.
Vì vậy, các nhà sản xuất trang sức xa xỉ đang thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc sản xuất và bán các sản phẩm có giá thành dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu cho hàng xa xỉ có thương hiệu.
Để thu hút khách hàng, đặc biệt là thông qua các kênh kỹ thuật số, các thương hiệu đang chú trọng nhiều hơn vào các bộ sưu tập có giá từ 3.000 USD trở lên.
Thương hiệu trang sức kim cương Messika của Pháp đã khai trương cửa hàng lớn đầu tiên ở châu Á, và dự kiến mở tiếp 9 cửa hàng vào cuối năm nay tại các địa điểm như Seoul, Osaka và Thành Đô.
Valérie Messika, Giám đốc điều hành và sáng lập của Messika, cho biết trong năm nay, công ty đặt ra mục tiêu tăng trưởng 45% so với năm 2021 và châu Á hiện chiếm gần 8% doanh thu của hãng.
Thiếu hụt nhân sự
Hiện nay, câu hỏi đối với bất kỳ hãng trang sức xa xỉ không còn là có bao nhiêu người sẵn sàng bỏ tiền mua, mà là thương hiệu có thể sản xuất bao nhiêu.
Valérie Messika cho biết yếu tố quan trọng đã không còn là đi tìm kiếm khách hàng, mà là cố gắng để lấy hàng.
Tại Italy, đặc biệt là xung quanh vùng Valenza, nơi tập trung những người thợ kim hoàn có tay nghề cao, việc cạnh tranh nhân sự đã lên đến đỉnh điểm.
Maria Carola Picchiotti, Giám đốc tiếp thị của Picchiotti, một xưởng trang sức được thành lập vào năm 1967 tại Valenza, cho hay tất cả thương hiệu trang sức lớn đều đến Valenza để sản xuất, khiến thị trấn này thay đổi đáng kể. "Hiện tại, các xưởng kim hoàn nhỏ hầu như không còn. Các thương hiệu lớn, chủ yếu từ Pháp, đến Valenza và xây dựng các nhà máy hoặc mua lại nhiều xưởng địa phương để lấy tất cả nhân lực”.
Sabina Belli, Giám đốc điều hành của Pomellato, một hãng kim hoàn của Italy được tập đoàn Kering của Pháp mua lại vào năm 2013, cho biết: “Vào năm 2016, chúng tôi đã phải đối mặt với khó khăn khi tuyển dụng thế hệ thợ tiếp theo. Điều đó không hề dễ dàng một chút nào”.
Để khắc phục tình trạng này, hãng Bulgari và Pomellato đã phải hợp tác và đầu tư cho các trường dạy chế tác đồ trang sức của Italy.
Jean-Christophe Babin của Bulgari, cũng nói rằng công nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất trang sức. Công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đang giúp các thương hiệu tinh chỉnh chiến lược sản xuất và phân phối, đẩy nhanh hàng hóa đến các địa điểm bán lẻ.
“Trí tuệ nhân tạo đang giúp chúng tôi cân bằng cung - cầu, và những người thợ cao cấp ở Valenza không còn phải chế tác nhiều hơn mức cần thiết”, Babin cho hay.