Chiều 9/8/2023, tại Bình Dương, Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam (thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban ngành viên nén.
TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành của Tổ chức Forest Trends, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu viên nén đã có xu hướng giảm, đạt hơn 2 triệu tấn với giá trị gần 325 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 8,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giữ vững thị trường Nhật Bản, suy giảm ở Hàn Quốc
Theo TS Phúc, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu phần lớn viên nén của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản nhập khẩu hơn 1,16 triệu tấn viên nén từ Việt Nam, trị giá hơn 195 triệu USD, tăng 5,65% về lượng và 28,88% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cùng giai đoạn, Hàn Quốc nhập khẩu hơn 840 ngàn tấn viên nén, trị giá gần 116 triệu USD, giảm hơn 33% về lượng và gần 43% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Phân tích về diễn biến giá xuất khẩu viên nén, TS Phúc cho hay trong năm 2022 giá viên nén đã tăng hơn 30% từ mức giá xuất khẩu bình quân 117,87 USD/tấn của cả năm 2021, lên giá xuất khẩu bình quân 161,21 USD/tấn trong cả năm 2022.
Tuy nhiên, sau chuỗi tăng giá liên tiếp trong suốt năm 2022 và đạt đỉnh ở mức 189 USD/tấn vào tháng 12/2022, giá viên nén đã hạ nhiệt và bắt đầu giảm mạnh từ tháng 3/2023 đến hết tháng 6/2023. Giá viên nén xuất khẩu đã rơi xuống dưới mức 136 USD/tấn trong tháng 6/2023, tương đương mức giảm gần 30% so với mức trần ghi nhận trước đó 6 tháng.
"Việc thay thế một phần than sang viên nén tại một số nhà máy điện và lò hơi có thể hình thành cầu sử dụng viên nén tại thị trường nội địa trong tương lai, đặc biệt nếu Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích việc chuyển đổi”.
TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành của Tổ chức Forest Trends.
Biên độ sụt giảm giá xuất khẩu viên nén vào thị trường Hàn Quốc lớn hơn nhiều so với Nhật Bản. Cụ thể, tại thời điểm tháng 6/2023, giá xuất khẩu viên nén sang Hàn Quốc chỉ còn xấp xỉ 105 USD/tấn, giảm 43% so với mức đỉnh 185 USD/tấn của tháng 12/2022. Trái lại, mức giá xuất khẩu sang Nhật Bản hiện vẫn gần đạt 153 USD/tấn, chỉ giảm dưới 18% so với mức giá trần ghi nhận nửa năm trước đó.
Phân tích về thị trường thế giới, TS. Tô Xuân Phúc nhận định, nhu cầu viên nén trên thế giới sẽ đạt khoảng 31 tỷ USD tới năm 2030. Tổng nhập khẩu viên nén từ tất cả các thị trường vào Nhật Bản trong 6 tháng đầu 2023 tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Một số công ty Mỹ đang chuyển hướng xuất khẩu viên nén, trước đây xuất sang EU thì nay xuất sang Nhật Bản, do một số công ty Nhật trả giá ưu đãi (premium) đối với các hợp đồng có mức giá cố định (fix) đối với các hợp đồng dài hạn. Dự báo cầu viên nén tại Nhật tới 2030 tăng khoảng 3 lần so với hiện tại.
Về triển vọng ngành viên nén tại thị trường trong nước, TS Phúc cho biết cầu viên nén và dăm gỗ cho tiêu thụ nội địa sẽ tăng trong tương lai, do 2 yếu tố. Một là, cam kết giảm phát thải của Chính phủ Việt Nam. Hai là, các doanh nghiệp tự giác chuyển đổi từ nguồn nguyên liệu phát thải cao sang viên nén. Do đó, theo TS Phúc, cần có đánh giá nhu cầu tiêu thụ viên nén nội địa trong tương lai.
Ông Phúc nên dẫn chứng: Công ty EREX đưa ra kế hoạch bắt đầu sử dụng dăm gỗ để đồng đốt với than ở nhà máy Nhiệt điện Na Dương (Công suất 110 MW), sử dụng 6.000 tấn viên nén trong tháng 8-9 tới, chiếm tỷ lệ từ 5% tới 20% trong tổng sử dụng nguyên liệu của nhà máy này. EREX cũng đang xây dựng nhà máy viên nén tại Yên Bái – dự kiến hoàn tháng vào năm 2024 và bắt đầu thương mại vào tháng 1/2025.
Những thách thức tại thị trường Nhật Bản
Tại hội nghị, đại diện một Tập đoàn của Nhật Bản chuyên nhập khẩu viên nén đã chỉ ra những thách thức khi xuất khẩu viên nén vào thị trường Nhật Bản. Đó là, một số tổ chức tại Nhật Bản đưa ra cáo buộc một số doanh nghiệp sản xuất viên nén tại Việt Nam lạm dụng, sử dụng sai các khai báo của chứng nhận rừng bền vững; thiếu tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ để sản xuất viên nén.
Do đó, vị đại diện này khuyến cáo, muốn vượt qua các thách thức trên, các doanh nghiệp sản xuất viên nén cần đầu tư nhiều hơn vào việc thực hiện và sử dụng những chứng nhận tiêu chuẩn, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu hiện hành về truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm lâm nghiệp.
Đồng thời cần tạo ra hợp tác toàn ngành viên nén để cải thiện và thúc đẩy những gì có thể làm, để đảm bảo tính bền vững. Các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào những đơn vị cung cấp lâm sản và hộ trồng rừng để thúc đẩy quản lý rừng bền vững, như vậy sẽ mang lại chiến thắng chung cho các bên, lợi ích toàn diện cho chủ rừng, ngành lâm nghiệp và các đơn vị sản xuất nhiên liệu sinh khối.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội viên nén thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu sử dụng phụ phẩm của ngành chế biến gỗ. Trong năm 2023, xuất khẩu đồ gỗ khó khăn, khiến chế biến gỗ thu hẹp sản xuất, dẫn đến thiếu nguyên liệu cho sản xuất viên nén.
“Năm nay, lãi suất vay vốn từ các ngân hàng thương mại tăng, dẫn đến chi phí suất đầu tư của ngành viên nén tăng cao hơn so với các năm trước. Tình trạng này có thể kéo dài đến hết năm 2023”, ông Phong nêu thực trạng.
Đối với thị trường Nhật Bản, ông Phong cho hay thị trường này tuy ổn định về giá, nhưng yêu cầu về nguyên liệu rất khe khắt. Chẳng hạn, Nhật Bản đưa ra yêu cầu rất phi lý là: 100% viên nén Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản phải có chứng nhận FSC (Chứng chỉ rừng bền vững quốc tế).
Vì vậy, ông Phong kiến nghị Cục Lâm nghiệp đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Thương mại Nhật Bản chấp nhận viên nén sản xuất từ rừng trồng của Việt Nam đạt chứng chỉ VFCS (Chứng chỉ rừng bền vững của Việt Nam) được nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản. Đề Nghị Chính phủ Việt Nam đàm phán với Chính phủ Nhật Bản về quản lý truy xuất nguồn gốc gỗ và lâm sản hợp pháp.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp với Chi hội Viên nén, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để cùng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong xuất khẩu, đặc biệt vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ và lâm sản nguyên liệu cho sản xuất viên nén.
"Cách đây 2 tuần, Cục Lâm nghiệp đã nhận được công văn của Đại sứ quán Nhật Bản, đề nghị được làm việc với Cục Lâm nghiệp. Thứ hai tuần này (7/8/2023), Cục Lâm nghiệp đã làm việc trực tiếp với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Phía Nhật Bản đưa ra yêu cầu Cục Lâm nghiệp Việt Nam phải kiểm soát chặt sản xuất viên nén, phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tuân thủ chứng chỉ rừng bền vững FSC", ông Bảo thông tin.
Ông Bảo cũng cho biết thêm, Nhật Bản muốn cùng Cục Lâm nghiệp Việt Nam xây dựng quy chế quản lý sản xuất viên nén. Chúng tôi đã thống nhất với họ, phía Nhật Bản hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật. Chúng tôi cũng đang đề xuất Nhật Bản công nhận các chứng chỉ khác cho đảm bảo nguồn gốc và rừng bền vững, không chỉ chứng chỉ FSC, miễn là đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho gỗ và phụ phẩm gỗ Việt Nam.
Cũng trong chiều 9/8/2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Cục Lâm nghiệp tổ chức Hội nghị giao ban xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản 7 tháng năm 2023 ước đạt 7,78 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,21 tỷ USD, giảm 26,2%; xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ 580 triệu USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng: Hoa Kỳ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 39,8% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản 834,3 triệu USD, giảm 4,8%; Trung Quốc 701,1 triệu USD, giảm 26,3%; EU (cả Anh) 425,5, giảm 33,7%; Hàn Quốc 410,3 triệu USD, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái.