Là nhà thầu có nhiều năm hoạt động trong nghề nhưng ông H.L. - giám đốc một công ty xây dựng ở miền Trung vẫn đang rất chật vật trong việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Lý do là chủ đầu tư cũ chưa trả hết nợ, trong khi cũng khó tìm được dự án đầu vào mới.
"Công ty tôi đã tạm ngừng hoạt động từ những tháng cuối năm ngoái. Với một số dự án vừa hoàn thành trong thời gian đó, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận đủ tiền thanh toán từ phía chủ đầu tư. Do vậy, tôi phải vay mượn thêm để trả tiền cho công nhân", ông giãi bày với Zing.
Tình cảnh này cũng được ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HQĐT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), kiêm Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) chia sẻ trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Xây dựng cách đây không lâu.
Ông Lê Viết Hải cho biết hầu hết doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng đang trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ. Vì thế, họ phải nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp..., khiến các công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công.
Các ông lớn tiếp tục báo lỗ
Kể cả những ông lớn đầu ngành như Xây dựng Hòa Bình cũng lâm vào tình cảnh này. Theo vị lãnh đạo, do ngành xây dựng lẫn bất động sản đang rơi vào khủng hoảng và suy thoái, gây nhiều khó khăn về tài chính nên tập đoàn chưa sắp xếp được nguồn vốn thực hiện các mục tiêu.
"Đây là lần đầu tiên trong suốt 35 năm, Hòa Bình phải đối mặt với muôn vàn khó khăn làm ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp nặng nề như thế. Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực của mình để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi mà không thể kịp thời cải thiện được", Chủ tịch Lê Viết Hải nêu trong đơn kiến nghị.
Những khó khăn càng rõ nét hơn khi báo cáo hợp nhất quý I cho thấy Xây dựng Hòa Bình đã sụt giảm 60% doanh thu so với cùng kỳ, xuống còn khoảng 1.200 tỷ đồng.
Do kinh doanh dưới giá vốn, Hòa Bình chịu lỗ gộp từ hoạt động chính hơn 200 tỷ đồng. Trong khi ở quý I năm ngoái, công ty đạt mức lãi gộp gần 200 tỷ đồng.
Mặt khác, chi phí tài chính tiếp tục là gánh nặng với lãi vay gấp rưỡi cùng kỳ, ghi nhận gần 137 tỷ đồng. Trừ thêm các chi phí hoạt động khác, Hòa Bình lỗ ròng hơn 440 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ hai liên tiếp của doanh nghiệp.
Không đến mức lỗ như Hòa Bình, song chi phí giá vốn tăng cao cũng khiến lợi nhuận gộp của Coteccons (CTD) trong quý I giảm 17% so với cùng kỳ, dù doanh thu tăng đến 64%.
Bên cạnh đó, các chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp và bán hàng của nhà thầu này đều tăng cao trong quý đầu năm, qua đó ăn mòn hết lợi nhuận gộp của công ty.
Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính gần 85 tỷ đồng mà Coteccons mới thoát lỗ. Kết quả, sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp xây dựng này báo lãi ròng 22 tỷ đồng trong quý đầu năm, giảm gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của công ty cũng giảm về gần 1,8% và biên lãi thuần ở mức 0,7%.
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên mới đây, ban lãnh đạo Coteccons cho biết doanh thu thực hiện được trong quý I đang đúng với kế hoạch đã dự báo. Thông thường, đến quý III, IV doanh thu sẽ tăng trưởng tốt hơn.
Lên kế hoạch lãi trăm tỷ đồng
Mặc dù kết quả kinh doanh chưa được khả quan, cả 2 doanh nghiệp này vẫn kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ khi lên kế hoạch lãi trăm tỷ đồng trong năm 2023.
Cụ thể, ban lãnh đạo Coteccons xác định đây là năm chuyển mình sau giai đoạn tái cơ cấu. Do đó, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu ở mức 7.644 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng cho năm tài chính.
Lưu ý rằng Coteccons mới chuyển đổi năm tài chính từ 2023 khi chu kỳ sẽ kết thúc vào 30/6. Do vậy, nếu so sánh với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022, chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng đến 144% và lợi nhuận tăng 880%.
Do có sự khác biệt về năm tài chính, HĐQT còn đưa ra kế hoạch kinh doanh đủ 12 tháng. Chỉ tiêu doanh thu cho cả năm 2023 là 16.249 tỷ đồng và lợi nhuận 233 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và gấp hơn 11 lần so với cả năm 2022.
Trong phiên họp ĐHĐCĐ mới đây, Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov nhấn mạnh công ty đã nhìn ra được một số cơ hội phía trước. "Hiện tại Coteccons đã thấy được những tín hiệu lạc quan và tự tin đạt được kế hoạch tăng trưởng", ông khẳng định.
Còn đối với Xây dựng Hòa Bình, sau "nội chiến", doanh nghiệp muốn cần nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho đại hội nên đã lùi ngày tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 27/6 thay cho kế hoạch ban đầu là ngày 26/4.
Trước đó, doanh nghiệp đã công bố kế hoạch với doanh thu đi lùi 12% so với năm trước về mức 12.500 tỷ đồng. Dù vậy, công ty vẫn kỳ vọng có lãi trở lại với mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ kỷ lục 1.141 tỷ đồng vào năm ngoái.
Song, mục tiêu này không dễ đạt được, bởi tình hình thị trường bất động sản vẫn chưa mấy tích cực. Trong đơn kiến nghị vừa qua, ông Lê Viết Hải khẩn cầu Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước và Bộ trưởng Xây dựng có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng.
Trong đó, cho phép các ngân hàng giãn nợ và áp dụng các chính sách đã thực hiện thành công trong thời kỳ đại dịch.
"Mục đích của kiến nghị này sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng bởi sự mất khả năng thanh toán của khách hàng trong ngành bất động sản có thời gian thu hồi nợ, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm có doanh thu để dần dần thanh toán nợ vay; đồng thời hạn chế dư nợ của toàn nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu", ông Hải nêu rõ.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị về việc nhanh chóng có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản.