Hiện có 8 ngân hàng chấp nhận trả mức lãi suất 6%/năm trở lên cho khách hàng cá nhân, chủ yếu áp dụng tại kỳ hạn dài. Ảnh: Chí Hùng.
Trong thông báo mới nhất, SHB cho biết đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của khách hàng cá nhân kể từ hôm nay (30/7).
Theo đó, nhà băng này đã tăng thêm 0,2 điểm % với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn 1-5 trên kênh online, và giữ nguyên lãi suất huy động cho các kỳ hạn còn lại.
Sau điều chỉnh, lãi suất tiền gửi online 1-5 tháng tại nhà băng này hiện dao động quanh mức 3,5-3,6%/năm. Với kỳ hạn 6-8 tháng, SHB hiện chấp nhận chi trả mức lãi suất 4,7%/năm cho khách hàng cá nhân; kỳ hạn 9-11 tháng trả lãi 4,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng trả mức 5,2%/năm; kỳ hạn 13-15 tháng trả mức 5,3%/năm; và kỳ hạn 24 tháng hưởng lãi suất 4,8%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất huy động cao nhất được SHB chi trả cho các khách hàng cá nhân hiện nay lên tới 6,1%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 36 tháng trở lên.
Cũng tại SHB, nếu chọn gửi tiền tiết kiệm tại quầy, lãi suất khách hàng nhận được sẽ thấp hơn 0,3 điểm % khi tiền gửi dưới 2 tỷ đồng, và thấp hơn 0,2 điểm % khi tiền gửi bằng hoặc lớn hơn 2 tỷ.
Với đợt điều chỉnh lãi suất kể trên, SHB đã trở thành ngân hàng thương mại thứ 18 tăng lãi suất huy động trong tháng 7, đồng thời là 1 trong 8 ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm 6%/năm trở lên.
Khảo sát trên toàn thị trường, hiện mốc 6%/năm vẫn nằm trong nhóm lãi suất cao nhất khách hàng cá nhân có thể nhận từ các ngân hàng.
Ngoài SHB, hiện còn 6 ngân hàng thương mại tư nhân khác đang niêm yết lãi suất huy động tối đa từ 6%/năm trở lên, chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn dài.
Trong đó, HDBank hiện trả lãi suất lên tới 6-6,1%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 15-18 tháng trên kênh online. Thực tế, trong nhiều tháng trước đó, HDBank vẫn thường xuyên nằm trong nhóm ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi tốt nhất thị trường.
Thậm chí, trước đợt tăng lãi suất tháng 7 của các ngân hàng thương mại, HDBank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên đưa lãi suất huy động trở lại mốc 6%/năm. Hiện mức lãi 6,1%/năm áp dụng với kỳ hạn gửi 18 tháng tại nhà băng này vẫn là mức cao nhất thị trường.
Ngoài HDBank, BVBank hiện cũng trả lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18-60 tháng; OCB trả mức lãi suất tương tự nếu khách gửi tiền 36 tháng; NCB và OceanBank cùng trả lãi suất 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng trở lên; và ABBank trả lãi suất cao nhất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
SeABank cũng nằm trong nhóm ngân hàng đang trả lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 15-36 tháng, với điều kiện gửi 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng. Trường hợp khách hàng gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, nhà băng này chấp nhận trả mức lãi suất lên đến 6,2%/năm.
Sau hàng chục đợt tăng lãi suất tiền gửi liên tiếp, UOB Việt Nam ước tính lãi suất huy động từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5-1 điểm %/năm từ đầu quý II, áp dụng với các kỳ hạn khác nhau. Các chuyên gia phân tích tại đây dự báo trong nửa cuối năm, lãi suất có thể tăng thêm 0,25-0,75 điểm % để tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn 1-12 tháng ở mức 3-6%/năm.
Trái ngược với diễn biến tại nhóm ngân hàng tư nhân, hiện lãi suất tiết kiệm của nhóm ngân hàng quốc doanh (BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank) vẫn "bất động" ở vùng đáy lịch sử.
Trong đó, tiền gửi kỳ hạn ngắn 1-5 tháng đang được các ngân hàng quốc doanh neo lãi suất tại 1,6-1,9%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng hưởng lãi 2,9-3,3%/năm và kỳ hạn 12 tháng trở lên hưởng mức 4,6-4,7%/năm.