Trước đó, Cục Quản lý an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia (NHTSA) tại Mỹ đã nhận được hàng loạt cáo buộc của chủ xe Tesla về việc chế độ tự lái (Autopilot) dễ gây ra tai nạn. Đến nay, lượng đơn khiếu nại đã tăng lên nhanh chóng cho thấy số vụ tai nạn giao thông do Autopilot ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo Carbuzz, từ năm 2019 đến nay, tổng cộng 17 trường hợp tử vong và 736 vụ tai nạn được ghi nhận thông qua hệ thống Autopilot của Tesla. Trước đó vào tháng 6/2022, NHTSA chỉ công bố 3 trường hợp tử vong do chế độ Autopilot. Như vậy chỉ trong một năm, đã có thêm 17 người chết do chính hệ thống lái tự động của Tesla.
Tờ Washington Post cũng nhấn mạnh số vụ tai nạn xảy ra do Autopilot liên quan trực tiếp đến dự án mở rộng phần mềm của Tesla. Cụ thể, hãng xe này đã cập nhật chế độ "Tự lái hoàn toàn" thêm hơn 300.000 phương tiện chỉ trong một năm.
Một cuộc điều tra đã được diễn ra trên 830.000 xe Tesla bao gồm Model Y, Model X, Model S và Model 3 được sản xuất giai đoạn 2014-2022. Nhiều chuyên gia nhận định các vụ tai nạn này có liên quan đến những thay đổi ở phần mềm do chính Elon Musk chỉ đạo.
Mặc dù chính nhà sản xuất ôtô điện này đã mô tả Autopilot chỉ là một "hệ thống lái tự động cấp 2 nhằm hỗ trợ người lái", một số chủ xe vẫn coi đây là một "trợ lý lái ảo hoàn toàn tự động".
Pete Buttigieg, Bộ trưởng Giao thông vận tải, bày tỏ lo ngại về chính tên gọi của Autopilot. Theo ông, việc gọi Autopilot là "hệ thống lái tự động" khiến nhiều chủ xe hiểu nhầm dẫn đến những hậu quả thương tâm. Ông cũng nhấn mạnh người lái khi dùng Autopilot vẫn phải giữ tay trên vô lăng và tự quan sát đoạn đường.