Người dân uống nước giải nhiệt tại Dubrovnik, Croatia, ngày 9/7. Ảnh: THX.
Hôm chủ nhật (21/7) được ghi nhận là ngày nóng nhất từ trước tới nay, theo Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, kỷ lục chỉ giữ được trong một ngày cho tới thứ hai (22/7) khi nhiệt độ toàn cầu lại nhích lên một chút. Và thứ hai trở thành ngày nóng nhất trong lịch sử hiện đại, nhiệt độ trung bình toàn cầu lên tới 17,16 độ C (tương đương 62,88 độ F).
Tới 23/7, nhiệt độ toàn cầu không theo đà leo lên kỷ lục mới nhưng cũng đủ để thiết lập một ngày nóng thứ hai trong lịch sử.
Copernicus tính toán rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu hôm 23/7 thấp hơn 0,01 độ C (0,01 độ F) so với mức cao nhất mọi thời đại của ngày 22/7 là 17,16 độ C (62,8 độ F), nóng hơn 0,06 độ C (0,1 độ F) so với 21/7, AP đưa tin hôm 25/7.
Cả ba ngày đều nóng hơn ngày nóng nhất trước đó của Trái Đất vào năm 2023.
Trước ngày 3/7/2023, ngày nóng nhất được Copernicus đo được là 16,8 độ C (62,2 độ F) vào ngày 13/8/2016. Theo Copernicus, trong 13 tháng qua, mốc đó đã bị vượt qua 59 lần.
Theo New York Times, những kỷ lục trong tuần qua không hẳn là điều hoàn toàn bất ngờ. Trái Đất có xu hướng ấm nhất vào mùa hè ở Bắc Bán cầu. Kỷ lục trước đó về ngày ấm nhất của hành tinh là vào tháng 7 năm ngoái.
Nhưng điều khiến các nhà khoa học kinh ngạc không phải là nhiệt độ của ngày nóng nhất từng được ghi nhận, tăng nhẹ so với năm ngoái, mà là mức nóng hơn bình thường trong suốt phần còn lại của năm, giữa hai đỉnh điểm mùa hè này. Thay vì trở lại mức gần bình thường, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao trong hơn một năm nay.
“Điều thực sự đáng kinh ngạc là sự khác biệt lớn giữa nhiệt độ của 13 tháng qua và các kỷ lục nhiệt độ trước đó”, ông Carlo Buontempo, giám đốc Copernicus cho biết. “Chúng ta đang ở trong một tình thế thực sự chưa được các định và khi khí hậu tiếp tục nóng lên, chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến những kỷ lục mới bị phá vỡ trong những tháng và năm tới”, ông nói thêm.
Hôm 25/7, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đề cập đến đợt nắng nóng toàn cầu và kêu gọi những nỗ lực mới để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và người lao động.
“Hãy đối mặt với sự thật”, ông nói. “Nhiệt độ cực đoan không còn là hiện tượng chỉ xảy ra trong một ngày, một tuần hoặc một tháng nữa. Nếu có một điều gắn kết thế giới chia rẽ của chúng ta, thì đó là tất cả ta đều ngày càng cảm thấy nóng. Trái Đất đang trở nên nóng hơn và nguy hiểm hơn đối với mọi người, ở mọi nơi”, tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.