Thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) mới "chốt" phương án quản lý hoạt động xe điện nhằm đảm bảo an toàn, đi vào nề nếp, phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật và tạo sự phát triển cho du lịch. Tuy nhiên, trước phương án mới này, hàng trăm chủ xe điện ở thị xã Cửa Lò đồng loạt gửi đơn "kêu cứu".
Khó khăn từ quy định mới
Qua tìm hiểu, được biết từ năm 2011 - 2015, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch, thị xã Cửa Lò đã trình UBND tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương quản lý hoạt động xe điện bốn bánh phục vụ khách du lịch.
Sau thời gian thí điểm, từ năm 2016 đến nay UBND thị xã Cửa Lò trình chủ trương và được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý cho phép xây dựng quy chế quản lý xe điện từng năm một, với số lượng xe hoạt động là 558 xe, được phép hoạt động theo ngày chẵn-lẻ, mỗi ngày hoạt động 279 xe.
Từ cuối tháng 12/2022, các chủ xe điện nhận được thông báo phương án quản lý xe điện mới từ UBND thị xã Cửa Lò, trong đó yêu cầu các chủ xe điện phải đăng ký, đăng kiểm đảm bảo theo thông tư 86/2014 của Bộ Giao thông vận tải và thông tư 58/2020 của Bộ Công an.
Căn cứ trên so với hiện tại, Cửa Lò chỉ có khoảng 171 xe có thể đăng ký, đăng kiểm. Số còn lại 387 xe không đủ điều kiện về giấy tờ nên chính quyền địa phương sẽ yêu cầu mua xe mới nếu người dân có nhu cầu.
"Trước năm 2016 người dân mua xe điện để kinh doanh thông qua công ty quản lý, khai thác xe điện bốn bánh. Khi rời công ty chúng tôi không được trả lại giấy tờ liên quan đến xe nên gặp khó khăn về bổ sung, hoàn thiện giấy tờ xe, nếu bây giờ đăng ký, đăng kiểm sẽ không được" - Ông Mai Văn Xô - ở khối Đoàn Kết, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò - nói và cho biết, việc cơ quan quản lý yêu cầu người dân phải cung cấp đầy đủ hóa đơn và một số giấy tờ liên quan là không thể và không phù hợp với những xe mua trước thời ngày 31-12-2014 (trước khi thông tư 86/2014/TT-BGTVT ban hành).
Theo ông Xô, nhiều gia đình phải vay mượn ngân hàng để mua xe điện với giá trị cao (hơn 200 triệu đồng/xe) và do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động du lịch, các hộ dân có xe điện rất khó khăn.
Hiện nay, phía thị xã đưa ra yêu cầu phải đăng ký, đăng kiểm mới được hoạt động, trong khi mùa du lịch đang đến gần, nhiều chủ xe sẽ không kịp xoay xở.
Còn ông Nguyễn Văn Phương - ở khối Thành Công, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò - kiến nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tạo điều kiện cho người dân đăng ký, đăng kiểm xe bị thất lạc giấy tờ và có lộ trình cụ thể để chủ xe thay thế xe mới.
Không xe nào đủ điều kiện đăng kiểm
Trước đó, tại các kết luận của ông Doãn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò về trả lời kiến nghị của người dân, ông Dũng cũng cho ý kiến với những xe điện bốn bánh không đủ các giấy tờ theo quy định, thì không có cơ sở để cơ quan chức năng, đơn vị liên quan thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm.
Trường hợp nếu chủ 558 xe điện không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm có nhu cầu mua xe mới thì sẽ liên doanh, góp vốn hai hộ mua một xe mới, tổng số xe hoạt động không quá 300 xe.
Trao đổi với PV Báo Công Thương, ông Hoàng Minh Thọ - phó Phòng Quản lý đô thị thị xã Cửa Lò - cho hay, mới đây thị xã chọn ngẫu nhiên 7 xe điện mới nhất trong số 171 xe có đủ giấy tờ, hồ sơ đi đăng kiểm nhưng không xe nào đạt yêu cầu đăng kiểm.
Lý giải vì sao đã có các thông tư, hướng dẫn của các Bộ từ lâu nhưng đến nay mới yêu cầu các chủ phương tiện xe điện đăng ký, đăng kiểm? Ông Thọ cho hay, do từ trước đến nay xe điện ở Cửa Lò đang hoạt động "thí điểm", dẫn đến lượng xe điện tăng nhanh.
Chính vì điều này, mới đây thị xã đã "chốt" phương án quản lý hoạt động xe điện nhằm đảm bảo an toàn, đi vào nề nếp, phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật và tạo sự phát triển cho du lịch.